Những ngày vừa qua, người dân Sài Gòn đang đồng lòng giúp nhau vượt qua khó khăn trong đợt dịch Covid-19 tái bùng phát. Để san sẻ khó khăn cho người nghèo, người neo đơn, nhiều tổ chức cá nhân đã đi phát quà, đồ ăn, khẩu trang..., nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn vượt qua cơn "đói lòng".
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng một số người lợi dụng "chiếc áo" từ thiện nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, thậm chí còn có hành vi tiêu cực, phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.
Từ chối phát cơm từ thiện cho người... sơn móng tay
Vụ việc gây xôn xao trên mạng xã hội mới đây nhất là đoạn clip ghi lại trường hợp một người phụ nữ đang lấy đồ từ thiện và bị một người đàn ông chặn lại.
Người này cầm máy quay và lia xuống chân của người phụ nữ, đồng thời bắt bẻ: "Chị ơi, sao chị sơn móng chân mà chị vào đây?".
Trước lời vặn vẹo này, người phụ nữ có ý trả lại hộp cơm vừa nhận nhưng người quay clip cho biết không cần.
Đồng thời, người phụ nữ cũng giải thích: "Tôi sơn móng chân từ thiện ở Võ Thị Sáu của người khuyết tật á. Tôi lấy cơm giúp cho người ta chứ tôi không lấy đâu".
Tuy vậy, người đàn ông quay clip vẫn chưa cảm thấy thuyết phục nên tiếp tục chia sẻ thêm: "Có những người mình không phát cho họ thì họ sẽ chửi. Nhưng những người này còn sơn móng tay móng chân".
Sau khi người phụ nữ rời đi, người đàn ông cầm máy còn lớn tiếng quát hai người khác vừa đứng vào hàng để đợi nhận cơm từ thiện: "Bụi đời không phát cơm, đi ra ngoài đi. Những người thiếu ý thức không bao giờ được phát cơm".
Sau đó, hai người này cũng rời đi trong sự ngỡ ngàng, không thốt ra lời trước thái độ từ chối gay gắt của người đàn ông quay clip.
Được biết, câu chuyện đã xảy ra trước đây nhưng gần đây bất ngờ được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và thu hút nhiều người quan tâm.
Ngay sau vụ việc này, dân mạng lại "khui" ra một clip tương tự cũng do "chủ nhân" đợt từ thiện này đứng ra tổ chức.
Trong đoạn clip, một cụ ông gầy trơ xương, liên tục gãi ngứa (có thể do bệnh) đang đứng xếp hàng đợi nhận cơm từ thiện. Chứng kiến cảnh đó, người đứng ra phát cơm đã yêu cầu: "Ông đừng có gãi sồn sột thế, nó bắn cái nọ cái kia ra bàn phát cơm của tụi con".
Đáng nói, người này còn đưa ra lý do: "Chỗ phát cơm linh thiêng của người ta mà ông làm không ra sao cả".
Ngay sau khi những đoạn clip này được đăng tải, dân mạng đã lên án, chỉ trích người phát cơm từ thiện này rất gay gắt. Sau khi tìm hiểu được biết, người đàn ông đó có tên là Tuấn Dương - chủ kênh YouTube Sài Gòn Ngày Nay.
Gần đây, những video của Tuấn Dương đăng tải chủ yếu về các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, thay vì chọn những nội dung mang thông điệp tích cực, kênh YouTube này lại đánh vào những nội dung phản cảm, giật title và cố tình làm clip kịch tính bằng những câu nói phản cảm kể trên. Điển hình như đoạn video có tiêu đề "kẻ lười biếng chọt ngang giành miếng ăn".
Khi bị cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ về hành động thiện nguyện "xem mặt trao quà", Tuấn Dương đã giải thích rằng những người đó có mục đích xấu nên Youtuber mới từ chối phát cơm từ thiện. Tuy nhiên, lời giải thích này không nhận được sự đồng thuận của người dùng mạng.
Cho một túi bánh rồi mắng sa sả người nhận
Một đoạn clip khác tương tự mới đây cũng nhanh chóng trở thành đề tài khiến netizen bàn tán xôn xao. Theo đó, đoạn clip ghi lại cảnh 1 cô gái trẻ đi xe máy phát đồ từ thiện nhưng lại quát sa sả hai mẹ con ở giữa phố, liên tục bảo người mẹ về dạy lại con mình.
Chuyện cũng không có gì nghiêm trọng, chỉ là em bé đang ăn cơm, thấy cô đến phát quà thì chạy ào ra nhận mà không đeo khẩu trang. Sau khi bé chạy vào nhà đeo khẩu trang rồi chạy ra lại, cô gái trẻ đã lên giọng dạy dỗ hai mẹ con về sức khỏe cũng như cách ứng xử khi được người khác cho đồ.
Danh tính của cô gái này lập tức được dân mạng lùng sục, tìm kiếm. Trang TikTok của cô gái này cũng tăng theo dõi đột biến.
Dân mạng nhanh chóng phát hiện ra, cô này tên X.Đ, hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Cô là người hoạt động từ thiện tích cực với một nhóm bạn dưới danh nghĩa nhóm Thiện nguyện T.P.
Trên TikTok của cô gái này cùng nhiều clip "khoe" việc cô đi ra đường tặng quà từ thiện.
Cô liên tục yêu cầu mọi người đến nhận quà tuân thủ quy định chống dịch, nhưng bằng tone giọng khá cao: "Đeo khẩu trang lên, đeo khẩu trang lên, không đeo là không cho, đang dịch mà"; "Mỗi người một phần, khỏi xin giùm".
Mặc dù làm từ thiện, nhưng thái độ của cô gái trên trong clip quát mắng hai mẹ con và nhiều clip khác từng được đăng tải đã vấp phải chỉ trích. Dân mạng cho rằng, cô ấy không có thái độ đúng mực với người nghèo (thường chĩa thẳng máy quay, chỉ tay vào mặt, tone giọng cao, nói trống không...) làm ý nghĩa đẹp của việc từ thiện giảm đi. Thậm chí, có thể làm tổn thương người nghèo bởi "của cho không bằng cách cho".
Đi tặng khẩu trang nhưng bỏ qua cụ bà vì cho rằng... không đủ nghèo
Cụ thể, một nhóm thanh niên đã quyết định sẽ tặng 100 hộp khẩu trang y tế cho những người dân Sài Gòn, chung tay cùng chống dịch.
Nhóm thanh niên này sở hữu một kênh Vlog có kha khá lượt theo dõi trên Youtube, thường chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn ở Sài Gòn. Ngay từ đầu clip, họ đã nói 100 hộp khẩu trang từ thiện này sẽ phát hạn chế: "Xem những người nào thực sự nghèo mới phát cho họ chứ không phát hết được, tại kinh phí có hạn".
Trong clip dài 20 phút đi phát khẩu trang, có người chạy lại xin nhưng bị từ chối vì "trông chị đâu có nghèo", một số người chạy xe ôm, lượm ve chai được phát, nhưng một số người khác tương tự thì bị bỏ qua, dù họ đã chìa tay ra xin.
Cũng bị từ chối, người phụ nữ luống tuổi tỏ ra cáu kỉnh, không hài lòng với cách làm việc của đội từ thiện này, lầm bầm nói gì đó với người ngồi cạnh. Nhóm thanh niên biết được, liền tiến lại "đối chất" với bà.
Ban đầu, người phụ nữ nói hơi lớn, giọng dằn dỗi: "Không cần xin chú đâu, chú làm từ thiện mà kén người chú đừng nên làm. Người già chú không cho, người trẻ chú cho". Bà này sau đó nổi đóa vì thấy camera của nhóm thanh niên chĩa vào mặt mình. Bả đã kéo khẩu trang xuống và tỏ rõ thái độ khó chịu.
Sau khi được chia sẻ, clip này đã lập tức khiến dân mạng chia phe tranh cãi. Có người tỏ ra thương cảm cho nhóm thanh niên, đã làm việc tốt mà lại bị đánh. Nhóm này cũng chỉ trích người phụ nữ lớn tuổi, cho rằng bà cư xử thật lỗ mãng và vô lý.
Ngược lại, không ít người cho rằng, chính nhóm thanh niên này mới đáng trách, vì đã lợi dụng việc đi làm từ thiện để câu view. Cách anh này nói vỗ mặt người phụ nữ lớn tuổi "loại người như cô không xứng đáng" rồi để camera bám theo người phụ nữ ở trên liên tục cũng không tế nhị.
Thanh niên mặc áo đen đã nói thẳng với người phụ nữ này: "Bà không xứng đáng để nhận món quà từ thiện này đâu", trong khi một bảo vệ gần đấy tìm cách vỗ yên người phụ nữ.
Chưa hết, trong khi bà vẫn đang tức giận, cho rằng nhóm thanh niên này "lừa đảo", nhóm thanh niên vẫn bám theo bà, đặc biệt là cứ lấy máy quay dí sát mặt, đòi nói chuyện lý lẽ.
Sau một hồi bị bám theo, người phụ nữ tức giận đòi đập camera và dùng bình đựng nước đánh vào tay thanh niên áo đen. Thanh niên này đã nói trước camera (trong khi vẫn ghi hình người phụ nữ đánh mình) rằng: "Những người như thế này thì mọi người không nên giúp đỡ. Họ không xứng để nhận một đồng từ thiện nào, dù chỉ là một ngàn lẻ. Người như vậy không xứng đáng để mình cho dù chỉ là một cái khẩu trang".
Anh này còn đọc địa chỉ của người phụ nữ là một đường ở quận 10, TP. HCM để "cảnh báo" khán giả của mình.
Sau khi được chia sẻ, clip này đã lập tức khiến dân mạng chia phe tranh cãi. Có người tỏ ra thương cảm cho nhóm thanh niên, đã làm việc tốt mà lại bị đánh. Nhóm này cũng chỉ trích người phụ nữ lớn tuổi, cho rằng bà cư xử thật lỗ mãng và vô lý.
Ngược lại, không ít người cho rằng, chính nhóm thanh niên này mới đáng trách, vì đã lợi dụng việc đi làm từ thiện để câu view. Cách anh này nói vỗ mặt người phụ nữ lớn tuổi "loại người như cô không xứng đáng" rồi để camera bám theo người phụ nữ ở trên liên tục cũng không tế nhị.
Kết
Câu chuyện từ thiện vốn là việc khó, cơ sở xác định ai nghèo, ai xứng đáng để nhận quà cũng không dễ, nên việc tranh cãi cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, đã làm từ thiện xin đừng tính toán, chớ vội "trông mặt mà bắt hình dong" vì giàu hay nghèo không chỉ thể hiện ra vẻ ngoài.
Mặc dù biết, việc làm từ thiện sẽ không tránh khỏi những trường hợp người không khó khăn đến "ăn hôi" của người nghèo, song đó chỉ là trường hợp hiếm. Chúng ta không nên đánh đồng để rồi làm tổn thương người khác.
Người ta thường nói "của cho không bằng cách cho" là vì lẽ đó. Bởi lẽ, khi chúng ta giúp người nhưng cứ hay ngờ vực, liệu có đang từ thiện sai cách hay không? Như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng nói: "Những nhà thiện nguyện thật sự, họ cho và chẳng nhớ đã cho gì".
Chính vì thế, để giữ được cái tâm trong sáng, không mưu cầu danh lợi cá nhân, không phải là điều mà tổ chức, cá nhân nào làm thiện nguyện cũng có được nếu không kiên tâm giữ một tấm lòng thiện trong sạch.
Theo Minh Khôi (Pháp Luật và Bạn Đọc)