Thời tiết tại Hà Nội trong những ngày này vô cùng oi nóng, tầm 9h - 10h ra đường, người dân đã có thể cảm nhận cái nắng nóng gay gắt đến khó thở. Hơi nóng từ các khối bê tông, mặt đường, hiệu ứng nhà kính càng làm cho không khí trở nên ngột ngạt khó chịu.
Tìm đến xóm chạy thận tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị vào trưa ngày 8/6, hầu hết người dân nơi đây đều đang nghỉ ngơi sau những giờ chạy thận, lọc máu mệt mỏi. Tuy nhiên, cũng có những người tranh thủ đi bán hàng rong, làm xe ôm kiếm thêm thu nhập để chữa bệnh.
Bước vào trong xóm trọ, không khí ngột ngạt, oi nóng đến khó thở. Những tấm ngói fibro ximăng lợp cao quá nửa đầu người liên tục được mặt trời nung nóng phả hơi nóng xuống như muốn thiêu đốt mọi thứ. Mùi thuốc sát trùng, mùi các loại thuốc điều trị trong xóm bốc lên cùng không khí nóng càng...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, nhiệt độ trong những ngày này tại TP Hà Nội vào khoảng từ 36 - 38 độ, có nơi trên 38 độ. Tuy nhiên trên thực tế vào ngày hôm nay 8/6, nhiệt độ trên bề mặt đường hoặc trong những căn phòng trọ thấp lợp mái tôn, ngói fibro ximăng có thể trên 50 độ C.
Ngồi phía ngoài cửa xóm trọ phe phẩy chiếc quạt cọ cố kiếm tìm chút gió mát, bà Nguyễn Thị Sự (70 tuổi, quê Hiệp Hoà, Bắc Giang) cho biết, bản thân đã chạy thận tại đây được 12 năm nay, dù bản thân đang rất mệt nhưng vẫn không thể ngủ được do nắng nóng.
Bệnh tật đeo bám buộc bà và những người khác tại đây phải gắn bó với nơi này để tiện đi chạy thận thường xuyên. Căn bệnh suy thận đeo bám hơn chục năm nay khiến mỗi tuần bà phải lọc máu 2 lần. Kinh phí chữa bệnh bà dựa vào con trai, mấy đồng lương hưu giáo viên và các mạnh thường quân hỗ trợ.
"Tôi ở phòng này với một người bạn cùng trị bệnh, đợt này nắng nóng quá, hôm nay thì nóng như thiêu như đốt đang mệt muốn ngủ nhưng không thể nào ngủ nổi nên đành ra cửa ngồi cho đỡ ngột ngạt. Giờ trong nhà bật quạt cũng không còn thấy gió mát nữa", bà Sự chia sẻ.
Do mắc bệnh lý về thận nên mọi người tại đây không thể uống nhiều nước dù thời tiết nắng nóng: "Bệnh này dù có nóng, có khát cũng không được uống nhiều nước, mình không đi tiểu được. Khó chịu và mệt lắm nhưng cũng đành chịu, số phận mình vậy rồi thì biết làm sao được.
Năm nào cứ đến đợt nóng là mấy bà lại nói với nhau bảo không biết có sống qua được đợt nóng này không vì nó khổ quá, năm nay lại càng nóng hơn. Nhiều khi nóng quá cứ trêu nhau bảo thôi nóng cho ra mồ hôi, càng bớt được nước trong người", bà Sự nói.
Quanh năm chữa bệnh, kinh phí ăn uống, thuê phòng, thuốc men đã là gánh nặng vô cùng lớn nên đa số những người dân nơi đây chẳng mấy ai dám mơ ước đến điều hoà, máy lạnh.
Là một người điều trị bệnh tại đây đã được 18 năm, ông Hoàng Văn Tuấn (46 tuổi, quê Mỹ Lộc, Nam Định) đã bỏ bếp nấu ăn ra cửa loay hoay nấu cơm, ăn sớm để chuẩn bị đi chạy thận: "Phải cố lôi bếp ra cửa nấu chứ trong phòng thì không tài nào chịu nổi", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng có gia đình nhưng vợ ông bị tai nạn sức khoẻ yếu, không thể lao động kiếm được thu nhập. Con ông Tuấn năm nay lên lớp 7, còn quá nhỏ nên cũng chưa phụ giúp bố mẹ được gì. Mọi kinh phí ông Tuấn dựa vào người thân, bạn bè và các mạnh thường quân hỗ trợ. Hàng ngày, ông cũng cố làm thêm nghề chạy xe ôm để kiếm thêm tiền chữa bệnh.
Dù vừa mang trong mình bệnh tật và phải chạy xe kiếm tiền mệt nhọc nhưng hàng ngày ông Tuấn vẫn phải thức đến 2 – 3 giờ sáng mới có thể ngủ được.
"Nóng lắm không thể ngủ được, phòng có mỗi cái quạt không đủ mát, ban ngày quạt còn thổi ra hơi nóng. Trang thiết bị ở đây thì không thể được như ở nhà nhưng mình cũng sống quen rồi đành chịu chứ không còn cách nào khác cả.
Nắng nóng này thì khổ lắm, người bình thường còn mệt chứ huống gì là người bệnh tật như chúng tôi. Nhiều khi cố đi chạy xe kiếm tiền cũng mệt lả người về chỉ muốn ngủ nhưng nằm xuống giường nóng như nằm dưới nền đường, đành phải thức đến khi nào mệt quá tự lả đi thì ngủ thôi", ông Tuấn tâm sự.
Đối với những người dân nơi đây, cuộc sống vốn đã nặng nề do bệnh tật, áp lực tiền bạc thì nay càng trở nên mệt mỏi, ngán ngẩm hơn với thời tiết nắng nóng, khó chịu. Nắng nóng, khổ cực là vậy nhưng mọi người nơi đây đều chấp nhận chịu khổ và nói rằng: "Không ở thì biết đi đâu?".
Theo Long Quyến (Tổ Quốc)