Trước lệnh cấm thi, tổ chức khảo sát, trắc nghiệm IQ... vào lớp 6, một số trường THCS công lập ở Hà Nội đã có phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập của học sinh. Ví dụ, Trường THCS Lê Lợi (quận Hà Đông) xét tuyển dựa trên kết quả học tập 5 năm tiểu học của học sinh. Thành tích tại các cuộc thi của Sở GD&ĐT, văn nghệ, thể dục thể thao… cũng là tiêu chí để tính điểm. Trường THCS Cầu Giấy còn xét tuyển dựa trên thành tích của học sinh tại các cuộc thi: Toán, tiếng Anh, Tin học trẻ trên mạng, văn nghệ...
Học sinh khối 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam trong lễ khai giảng năm học mới 2014-2015. (Ảnh minh họa) Ảnh: Q.Anh |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trường THCS Marie Curie, không loại trừ một số trường hợp thiếu trung thực trong hồ sơ xét tuyển. Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Không tránh khỏi trường hợp bố mẹ vì muốn cho con vào các trường như mong muốn sẽ thiếu trung thực trong việc làm hồ sơ. Vấn đề làm hồ sơ ở hoàn cảnh này cũng chỉ mong muốn cho con được vào học, trường cũng không đủ điều kiện thẩm tra hết, vì thời gian không có nhiều”.
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết: “Trường cũng đang cân nhắc việc xét học bạ kết hợp với thành tích nổi trội như đã từng làm cán bộ lớp, làm lớp trưởng của học sinh. Nhưng như thế cũng không công bằng với các em khác. Hơn nữa, chuyện xét tuyển khó ngăn chặn được tiêu cực, còn việc xét học bạ theo cách học hiện nay thì chưa chính xác”.
Phụ huynh lo thiếu công bằng
Trước việc một số trường sẽ có nhiều ưu tiên cho học sinh có học lực giỏi, có chứng chỉ ngoại ngữ, đạt giải tại các cuộc thi cho học sinh tiểu học... nhiều phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 6 tỏ ra băn khoăn, lo lắng về tính công bằng, khách quan của quá trình xét tuyển.
Chưa tin tưởng lắm về chuyện xét tuyển, chị Nguyễn Thu Lan (khu tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa) có con học lớp 5, cho biết: “Nếu không tổ chức thi, thay vào đó là xét tuyển cũng chưa công bằng lắm cho học sinh. Quy định này nên được đặt ra từ trước thì tôi đã cho con tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ rồi. Thậm chí đi học thêm các lớp ngoại ngữ để lấy chứng chỉ. Nay thay đổi đột ngột, bổ sung nhiều tiêu chí phụ, nhiều học sinh sẽ mất đi cơ hội từ các tiêu chí ấy. Nếu xét tuyển ở phạm vi cấp trường, tôi cũng rất lo ngại về tính công bằng, vì hầu hết các cháu đều đạt loại giỏi, điểm thi cao... Lúc đó, trường muốn cho ai đỗ thì cho”.
Lo phát sinh tiêu cực, anh Lê Đức Tiến (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân) có con đang học lớp 5 cho biết: “Nhu cầu vào trường chuyên, trường điểm của phụ huynh là có thật, hầu như ai cũng muốn con mình vào trường tốt, dù phải đưa đón xa. Nhiều phụ huynh đã đặt mục tiêu cho con đi học thêm, luyện thi từ sớm để con đỗ vào trường mình mong muốn. Nay bỏ thi, thay vào đó là xét tuyển, tôi e rằng phụ huynh cũng sẽ “chạy” điểm, thậm chí làm lại học bạ để con vào được trường chuyên, trường điểm”.
Trên thực tế, những lo lắng của phụ huynh và nhà trường về tính công bằng, nảy sinh tiêu cực trong xét tuyển vào lớp 6 cũng không phải là không có cơ sở. Cách đánh giá của học sinh tiểu học là không chấm điểm, chỉ xếp loại “đạt” hay “không đạt”, nếu dựa vào điểm kiểm tra cũng chưa chuẩn xác, bởi trước đây bệnh thành tích trong giáo dục khiến nhiều trường tiểu học có tỷ lệ học sinh giỏi rất cao, nay dù bãi bỏ xếp loại học sinh, nhưng để có hồ sơ đẹp, phụ huynh cũng không ngần ngại “chạy” giáo viên để con mình có điểm kiểm tra cao, kèm những đánh giá tốt.
“Bộ sẽ vẫn giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện của các địa phương. Nếu TPHCM khảo sát năng lực ngoại ngữ giống như thi tuyển thì chắc chắn Bộ sẽ phải yêu cầu xử lý và rút kinh nghiệm, không phải chỉ năm nay mà còn cho các năm tiếp theo. Việc cấm tuyệt đối thi tuyển vào lớp 6 cũng là một cách để Bộ chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn, đưa tất cả các trường THCS về hoạt động đúng với quy định, không trường chuyên, lớp chọn và không có ngoại lệ”. Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT |