Ngày 4/10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Cà Mau ghi nhận thêm 56 ca dương tính SARS- CoV-2. Trong đó, có 50 ca dương tính là người dân về từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…Tại thành phố Cà Mau, ghi nhận thêm 6 ca tại chợ Phường 6 và Phường 4.
Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau nhận định, số ca dương tính tăng cao là do dòng người tự phát về từ các vùng dịch TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
UBND tỉnh Cà Mau có công văn đề nghị Tổ công tác Chính phủ yêu cầu TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An quản lý, vận động người dân không trở về quê nhằm giảm áp lực phòng, chống dịch COVID-19 nhưng dòng người tự túc về quê Cà Mau vẫn gia tăng.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau nhận định, người Cà Mau đi lao động, học tập ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…còn rất đông. Từ ngày 30/9 đến nay, Cà Mau đã đón hơn 10.000 người dân tự phát về quê.
Trạm kiểm soát đặt tại Quảng lộ Phụng Hiệp cửa ngõ vào tỉnh Cà Mau liên tục bị tắc đường. Ban chỉ huy phòng, chống COVID- 19 tỉnh Cà Mau mở rộng Trung tâm hội chợ- Triển lãm trên đường Trần Hưng Đạo, phường 5 (thành phố Cà Mau) để phân người có hộ khẩu ở các huyện, thành phố dẫn đường cho bà con về khu cách ly tập trung, sàng lọc…
Trước làn sóng người dân miền Tây hồi hương, UBND tỉnh Cà Mau cho dừng quyết định nới lỏng giãn cách được áp dụng từ ngày 4/10 và yêu cầu người dân hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết.
Tối 4/10, Sở Y tế Hậu Giang cho biết, từ 6 giờ đến 18 giờ cùng ngày, tỉnh Hậu Giang ghi nhận thêm 12 ca mắc COVID-19, tất cả đều mới về từ TP.HCM.
Trước đó, từ 18 giờ ngày 3/10 đến 6 giờ ngày 4/10, Hậu Giang cũng đã ghi nhận 17 ca mắc COVID-19, là các trường hợp mới về từ TP.HCM và Bình Dương.
Trong ngày 4/10, Hậu Giang tiếp tục ghi nhận số người từ ngoài tỉnh về địa phương tăng cao, với 4.451 người (tăng 2.281 người so với ngày 3/10), đã cách ly tập trung 4.408 người; cách ly tại nhà 43 người.
Để đáp ứng nhu cầu cách ly y tế, đến chiều 4/10, tỉnh Hậu Giang đã trưng dụng 94 trường học từ mầm non đến THPT (trên tổng số 320 trường học trong toàn tỉnh) làm cơ sở cách ly y tế tập trung, tăng hơn 3 lần so với thời điểm trước tháng 9/2021.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất chủ trương và bổ sung kinh phí cho Sở Y tế để mua test kháng nguyên nhanh, que lấy dịch tỵ hầu để đảm bảo công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh, với số tiền hơn 10 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm về tổ chức thẩm định giá, số lượng, lập dự toán kiểm tra, nghiệm thu theo thực tế làm cơ sở thanh, quyết toán và trình tự thủ tục đơn vị thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, chịu trách nhiệm phân bổ đúng đối tượng sử dụng các vật tư y tế và hóa chất xét nghiệm trên theo quy định.
Tính từ đầu đợt dịch (ngày 8/7/2021) đến nay tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 594 ca mắc COVID-19. Trong đó: 223 ca mắc là người về từ ngoài tỉnh; 266 ca mắc là F1 đã được cách ly tập trung; 95 ca mắc cộng đồng và 10 ca mắc trong khu vực phong tỏa do có ổ dịch cộng đồng.
Toàn tỉnh hiện có 7.702 người đang được cách ly tập trung; cách ly tại nhà và nơi cư trú 989 người; tự theo dõi sức khỏe tại nhà 2.123 người.
Tổng số người đã được tiêm vắc xin COVID-19 là 144.272 người (46.209 người đã tiêm đủ 2 mũi; 98.063 người mới tiêm mũi 1), đạt tỷ lệ 26,91% trên tổng dân số tỉnh từ 18 tuổi trở lên (536.163 người).
Tại Sóc Trăng, 3 ngày qua có trên 40.000 người từ nhiều tỉnh, thành về quê. Trong đó, nhiều nhất là TP.HCM và Bình Dương.
Trao đổi với Zing, bác sĩ Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết đã phát hiện 35 F0 trong nhóm người hồi hương. Còn rất nhiều mẫu chưa được xét nghiệm xong.
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và lo chu đáo cho người dân hồi hương, tỉnh Sóc Trăng thành lập khung lãnh đạo, điều hành tiếp nhận công dân từ các tỉnh, thành về địa phương này.
Có 26 người gồm lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND và các ban, ngành của tỉnh Sóc Trăng tham gia công việc tại khu văn hóa Hồ Nước Ngọt theo chế độ 3 ca mỗi ngày. Lực lượng này tự giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Tại An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nói rằng ngành y tế chỉ xét nghiệm được khoảng 50% trong số gần 30.000 người tự đi xe máy về quê, phát hiện 44 F0.
Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang khẳng định thông tin địa phương này không tiếp nhận người về quê là sai sự thật. Tỉnh này đã thành lập Ban tổ chức tiếp nhận công dân An Giang từ TP.HCM và các tỉnh về quê tự phát.
“Ba ngày qua chúng tôi làm việc không ngơi nghỉ để tiếp nhận, sàng lọc, xét nghiệm và lo chỗ ăn, ở cho bà con. Bà con chạy xe máy về suốt ngày đêm và trời mưa nên lực lượng làm nhiệm vụ phải mua áo mưa cho mọi người. Bánh bao, bánh mì, nước uống liên tục hỗ trợ cho bà con để tránh tình trạng đói, khát”, ông Bình chia sẻ.
Tối 4/10, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết địa phương đã tiếp nhận hơn 8.000 công dân về từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Sau khi những người này được đưa vào các trường học để test nhanh, ngành y tế phát hiện 14 người nhiễm nCoV.
Những trường hợp dương tính này đã được đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến của tỉnh.
Theo ông Nghị, do lượng người về cùng một lúc quá đông đã gây áp lực lớn đến công tác tiếp nhận, test sàng lọc của ngành y tế. Tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chủ động phương án 4 tại chỗ trong công tác tiếp nhận công dân, cử tổ công tác trực tại các điểm tập trung để tiếp nhận và đưa bà con về địa phương ngay bằng xe xe khách (kèm theo xe chở phương tiện). Nếu cho bà con chạy xe máy phải có CSGT dẫn đường.
“Việc này sẽ giúp giải phóng nhanh số công dân về tỉnh tập trung tại các điểm trường học để tránh lây nhiễm chéo. Giao việc test nhanh cho các địa phương để tránh tập trung đông người và giảm thời gian chờ đợi của công dân”, ông Nghị phân tích.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)