Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em, cho biết, số 111 có ưu điểm là ngắn gọn, dễ nhớ, thuận tiện trong công tác truyền thông, đặc biệt giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bóc lột, mua bán... dễ dàng hơn khi quay số gọi khẩn cấp.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà không bảo lưu bất cứ một điều khoản nào.
Tới nay, hệ thống pháp luật quy định việc thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam liên tục được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm vẫn có hàng nghìn trường hợp trẻ em tử vong do nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là đuối nước và bị xâm hại.
Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương gây hoang mang và bức xúc trong dư luận.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân hãy sử dụng số điện thoại 111 để lên tiếng thông tin, thông báo, tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện các việc tư vấn kiến thức về trẻ em với tinh thần ưu tiên bảo vệ trẻ em.
Nhiệm vụ của tổng đài là tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại. Tổng đài 111 sẽ thay thế cho đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567, hoạt động 24/24h tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.
Tổng đài miễn phí hoàn toàn đối với người gọi đến. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ ngay lập tức được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em.
Theo Trần Thường (VietNamNet)