Vài ngày qua, dư luận bàng hoàng, bức xúc về những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra. Người ta thương xót, đau lòng khi những đứa trẻ vô tội chịu những trận đòn roi, tổn thương tinh thần vì những cơn thịnh nộ của người lớn.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội và bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em về vấn đề này.
Trẻ em đang sống trong môi trường thiếu an toàn
- Chỉ trong chưa đầy 1 tuần, có tới 4 vụ bạo hành trẻ em rúng động dư luận. Những sự việc đáng buồn này phản ánh điều gì về thực trạng bảo vệ trẻ em ở nước ta, thưa ông bà?
- Ông Đặng Hoa Nam: Gần đây, nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra, khiến dư luận xã hội rất bức xúc. Điều này phần nào cho thấy môi trường sống của trẻ em đang thiếu an toàn. Theo Thống kê của UNICEF, trên thế giới, hơn 90% người gây tổn thương đến trẻ lại chính là cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ. Tình trạng này cũng tương tự như ở Việt Nam.
- Bà Ninh Thị Hồng: Thực sự, tôi rất buồn và phẫn nỗ trước những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em gần đây. Tuy đã có nhiều thay đổi và cố gắng, song chúng ta chưa đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ.
Ngày 1/6, Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực, thêm nhiều chế tài, quy định bảo vệ chặt chẽ trẻ em hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều am hiểu, nắm rõ luật.
- Bà Trương Thị Phương Hoa: Tôi cảm thấy vô cùng bức xúc. Chúng ta luôn có những cảnh báo, quy định chặt chẽ song thực trạng này vẫn tiếp diễn. Các cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc quyết liệt, điều tra nghiêm túc giải quyết vấn đề bạo lực trẻ em. Tôi đồng tình khi đưa ra những vụ việc này ra ánh sáng, truy tố trước pháp luật để mang tính răn đe.
- Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đáng buồn như vậy?
- Ông Đặng Hoa Nam: Cha mẹ, những người trực tiếp chăm sóc trẻ còn thiếu hiểu biết pháp luật. Hơn nữa, người lớn còn chưa có đủ kỹ năng tôn trọng trẻ em hay kiềm chế cơn nóng giận, dục vọng nhất thời. Bởi trẻ em là đối tượng còn non nớt, cần được bảo vệ nghiêm khắc.
- Bà Ninh Thị Hồng: Những vụ bạo hành trẻ nhỏ xảy ra ở trường mầm non tư thục, chúng ta cần đặt ra câu hỏi với nhà quản lý giáo dục. Liệu các sở, phòng Giáo dục quận, huyện đã xem xét, kiểm tra sát sao những cơ sở mầm non hay chưa.
Thứ hai, gia đình chưa quan tâm đúng mực với con cái. Khi con khóc không muốn đi học, xuất hiện vết bầm tím trên thân thể nhưng cha mẹ không nghĩ rằng bị chính cô giáo đánh đập. Một số người dân xung quanh nghe tiếng trẻ em khóc mà lại không nghĩ đến cô giáo bạo hành trẻ.
Cần truy đến cùng trách nhiệm các cơ quan bảo vệ trẻ em
- Ngoài những vụ việc trẻ bị bảo mẫu, cô giáo đánh đập dã man, có những đứa trẻ bị bảo vệ dân phố sát hại hay bị chính cha mẹ bạo hành. Liệu trẻ đang không được đảm bảo cuộc sống an toàn, hạnh phúc khi chúng có thể gặp nguy hiểm ở bất cứ đâu, ở trường học, tại khu dân cư hay thậm chí tại ngay ngôi nhà của mình?
- Bà Ninh Thị Hồng: Điều này thật đáng buồn, khi xã hội nảy sinh nhiều thách thức, đạo đức suy đồi. Tôi lấy ví dụ tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng, đẩy trẻ em vào cảnh khó khăn, thiếu thốn tình cảm và không đủ khả năng tự vệ. Vụ cậu bé 6 tuổi bị bảo vệ dân phố sát hại, tại sao một người bị tâm thần lại được tín nhiệm làm bảo vệ?
Ngoài những cảm xúc đau xót, thương cảm, chúng ta cần phải truy đến cùng trách nhiệm. Việc bảo đảm an toàn cho trẻ em hiện nay nhiều vấn đề chưa được quan tâm đúng mức.
Trẻ em còn non nớt, mọi nơi đều tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo hành.
Nếu điều kiện quản lý không được tương xứng, trẻ em sẽ không được sống trong an toàn.
Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Đó chính là nhà quản lý và cha mẹ, người thân của bé.
- Trong bài viết về vụ bảo mẫu ở trường mầm non Mầm Xanh, TP.HCM bạo hành trẻ, độc giả của Zing.vn có bình luận: “Chúng ta nói nhiều đến bảo vệ trẻ em. Nhưng 15 cơ quan bảo vệ trẻ em đang ở đâu?”. Ông bà có chia sẻ gì về quan điểm này? Công tác bảo vệ trẻ em có nên quy về một đầu mối?
- Bà Ninh Thị Hồng: Trẻ em là con người, không phải làm một lĩnh vực. Rõ ràng sẽ cần nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm đứng ra bảo vệ. Khi trẻ được sinh ra thì cần cơ quan tư pháp làm các giấy tờ, thủ tục khai sinh. Khi bé ốm thì cần được các bác sĩ chăm sóc. Đến trẻ tuổi đi học, ngành giáo dục chịu trách nhiệm dạy dỗ hay vui chơi giải trí thì cần đến ngành văn hóa, du lịch.
Không chỉ riêng trẻ em, người lớn cũng cần nhiều cơ quan cùng bảo đảm để phát triển.
Tôi nghĩ rằng công tác bảo vệ trẻ em cũng nên quy về một đầu mối. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang chịu trách nhiệm công tác này, song nguồn lực nằm rải rác ở nhiều bộ ngành khác nhau.
- Ông Đặng Hoa Nam: Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56 của Chính phủ quy định rất chi tiết về những biện pháp, quy trình bảo vệ trẻ em tốt nhất. Với các vụ việc gần đây, các cơ quan tổ chức, chính quyền địa phương vào cuộc kịp thời. Như vụ bạo hành trẻ ở trường mầm non Mầm Xanh, TP.HCM hay bé gái ở Kiên Giang bị nghi cha dí sắt nóng vào mặt, lực lượng công an đều công an khẩn trương điều tra thu phục chứng cứ, để luận đúng người đúng tội.
Qua đường dây nóng, chúng tôi cũng tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi, hồ sơ tố cáo những vụ xâm hại, đánh đập trẻ em của người dân. Tôi cho rằng bảo vệ trẻ em cần có theo một hệ thống, liên kết giữa các cơ quan.
- Theo bà, chúng ta nên làm gì để giải quyết vấn đề bạo lực trẻ em?
- Bà Trương Thị Phương Hoa: Chính quyền địa phương nên giao cho khu dân phố, hàng xóm láng giềng quan tâm, sát sao. Nếu phát hiện trường hợp bất thường, người dân nên thông báo ngay các cấp chính quyền để xử lý kịp thời. Tuy nhiên, một số gia đình còn cố tình bao che, giấu nhẹm việc trẻ bị bạo hành, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Các cơ quan quản lý giáo dục cần sát sao trong việc cấp giấy phép mở lớp, trường mầm non tư thục. Kiểm tra, giám sát hoạt động thường xuyên. Ngoài nghiệp vụ chuyên môn, các cô giáo phải có đạo đức nghề nghiệp, lòng yêu trẻ.
Để thực hiện được mục tiêu này, tôi nghĩ cần tăng cường việc lắp các camera trong lớp học, giúp phụ huynh và cơ quan chức năng để kiểm tra bất kỳ lúc nào. Chứ không chỉ khi có đoàn kiểm tra mới phát hiện được những sự việc đau lòng.
Ngày 24/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Phủ Lý (Hà Nam) bắt khẩn cấp bảo mẫu đánh đập tàn nhẫn bé hơn 1 tháng tuổi.
Ngày 25/11, một bé gái ở Kiên Giang nghi bị cha và mẹ kế dùng thanh sắt nung đỏ dí vào mặt, với nhiều vết thương trên người và 2 vết bỏng ở mặt và tay.
Ngày 26/11, bảo mẫu ở trường mầm non Mầm Xanh, TP.HCM dùng xá xúc canh, chổi, thanh nhôm, thậm chí cả dao... đánh đập dã man nhiều trẻ nhỏ.
Ngày 26/11, bắt bảo vệ tổ dân phố có tiền sử tâm thần sát hại một bé trai 6 tuổi tại Tân Phú, TP.HCM.
Ngày 27/11, phát hiện thi thể bé gái 20 ngày tuổi bị bắt cóc tại một bãi rác ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Ngày 28/11, bà nội của cháu đang được công an tạm giữ điều tra và bị nghi ngờ là hung thủ.
Theo Trà My - Ánh Quang (Tri Thức Trực Tuyến)