Theo Tiền Phong thông tin, lúc 19 giờ ngày 24/5, chuyến bay chở đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mang theo 6 lọ thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) giải độc tố botulinum đã hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM). Đại diện của Cục Quản lý Dược và Sở Y tế TPHCM đã nhanh chóng tiếp nhận 6 lọ thuốc trên.
Được biết, mỗi lọ thuốc BAT có giá 8.000 USD. Toàn bộ số thuốc trên được WHO chuyển từ kho tại Thụy Sỹ viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam sau khi Bộ Y tế Việt Nam đề nghị được hỗ trợ vì nhiều trường hợp liên tiếp được xác định nhiễm độc Botulinum.
Sau khi hạ cánh xuống sân bay, 6 lọ thuốc đã được vận chuyển về Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Hiện, 2 lọ thuốc đã được phân phối về Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 lọ được lưu lại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định để điều trị cho 3 bệnh nhân tại hai bệnh viện này.
3 lọ thuốc còn lại được Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận, tại đây hiện có 3 bệnh nhi ngộ độc Botulinum trước đó đã được điều trị bằng thuốc giải độc bằng 2 lọ BAT chuyển từ Quảng Nam vào TPHCM.
Trước đó, chiều 23-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc trực tiếp với văn phòng WHO tại Hà Nội và đề nghị WHO hết sức hỗ trợ thuốc điều trị ngộ độc botulinum cho Việt Nam, thông tin trên VietNamNet.
Ngay sau đó, WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent cho các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum đang được điều trị tại các bệnh viện ở TP HCM.
Từ ngày 13 đến ngày 14/5 trên địa bàn TPHCM đã liên tiếp ghi nhận 6 trường hợp ngộ độc Botulinum. Trong đó, 1 bệnh nhân ngộ độc do ăn hủ mắm để lâu ngày, 5 bệnh nhân còn ăn món giò lụa bán dạo có nguồn gốc từ một cơ sở sản xuất chưa được cấp phép trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Hiện 3 trong số 6 bệnh nhân đã bị liệt cơ, lệ thuộc hoàn toàn vào máy thở vì không có thuốc giải độc.
Theo Bộ Y tế, ngộ độc botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng. Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh thuốc BAT trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó giá của thuốc này cũng rất cao.
Trước đó, năm 2020 để phục vụ các ca nhiễm độc tố botulinum do sử dụng patê chay có chứa độc tố, WHO đã hỗ trợ 10 lọ thuốc BAT (A,B,C,D,E,F,G) – (Equine). Lô thuốc này đã góp phần kịp thời cứu chữa nhiều bệnh nhân ngộ độc botulinum, theo Người lao động.
PN (SHTT)