Đêm Mà Sa Phìn hoang lạnh sau cơn lũ quét. 2 người đàn ông, một già một trẻ lầm lũi lê bước.
Trong ánh sáng nhờ nhợ phát ra từ chiếc đèn pin, người đàn ông có tên Phạm Văn Liên (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá) thở hắt: “Không tìm thấy con tôi nữa rồi. Không biết nó nằm đâu nữa. Nó còn trẻ quá, mới 19 tuổi thôi mà”.
Bắt chuyến xe đò sớm nhất, ông cùng mấy người nhà tìm đường vào Mà Sa Phìn. Ngày, đi lật tung các lán trại bị sạt lở. Đêm, ông mò mẫm dọc các con suối rồi lết về các lán trại bỏ hoang tá túc.
Bới tung lán trại nơi con ông bị lũ cuốn xuống suối, thứ duy nhất mà ông tìm thấy là bộ quần áo con ông mặc trong lần về nhà gần nhất. Ông bốc một ít đất nơi đó cho vào ba lô.
“Nếu không thấy xác, tôi đưa nắm đất này về thờ. Còn bộ quần áo rách, sẽ về nhà và đốt cho nó. Dưới đó, chắc nó lạnh lắm. Nó còn hứa là 2/9 sẽ về thăm nhà rồi ở lại, không đi làm nữa”- vừa nói, ông vừa ôm mặt khóc.
Ông Phạm Văn Liên - áo trắng và Phạm Văn Dự - áo xanh trong hành trình tìm thi thể người thân |
Phạm Văn Dự, người ở cùng lán với C kể: Hôm ấy mưa suốt từ chiều cho đến đêm. Lũ suối Chăn lên nhanh, nước cuồn cuộn. 16 người trong lán ngồi co rúm lại. Đang run cầm cập vì lạnh, vì sợ thì tất cả bị lũ cuốn phăng xuống suối. Người văng vào vách đá, kẻ bị nhấn chìm dưới dòng nước xiết. Dự may mắn bám vào một cành cây nên thoát chết. Đang bám thì thấy tiếng C gần đó kêu cứu, tay nó vẫy vẫy như van xin. Một vạt đồi nữa lại đổ ập xuống, C bị cuốn phăng.
Những lán trại tạm bợ trong rừng thẳm của các phu vàng bị lũ dập vùi xác xơ |
“Cứ góp được đồng nào, C lại gửi về nhà để dành tiền cưới vợ. Nó bảo với em, bao giờ đủ tiền cưới thì xin cai thầu cho nghỉ hoặc bỏ trốn về chứ không làm ở đây nữa. Không ngờ nó chết” - Dự kể.
Người nhà ông Liên bảo, mấy hôm nay, sau khi mọi người mệt nhoài đi ngủ sau một ngày tìm kiếm mệt nhọc, ông Liên vẫn một mình ngồi ngoài bờ suối. Có lần, 4 giờ sáng, mọi người tỉnh giấc vẫn thấy ông ngồi đó. Chờ mọi người thức giấc, ông lại lầm lũi đi tìm con.
Người về với nắm đất tàn
Một hầm vàng khoét sâu và lòng núi tầm 200 m tại Mà Sa Phìn |
Tang thương phủ kín cánh rừng già.
Người đàn ông tên Thuận tuổi ngoại tứ tuần từ ngày lũ quét không dám về nhà vì đứa cháu ruột đã bỏ mạng nơi đây. 2 chú cháu dắt díu nhau đến chốn rừng thiêng nước độc này để kiếm kế sinh nhai. Nào ngờ, đi dễ khó về.
“Bây giờ về nhà, biết ăn nói với anh chị thế nào đây? Cháu nó đi làm ở đây cũng là do tôi rủ rê”- người đàn ông tên Thuận nói.
Đó còn là ám ảnh của phu vàng Nông Văn Thành (Ngân Sơn, Bắc Cạn) khi chứng kiến một phu vàng mới 15 tuổi bị đất đá cuốn trôi, đưa tay vẫy vùng kêu cứu tuyệt vọng.
Tuyệt vọng tìm người thân bị lũ cuốn mất tích |
Trong câu chuyện của những phu vàng kỳ cựu, Mà Sa Phìn chẳng khác gì nấm mồ chôn vùi tuổi trẻ của hàng trăm thanh thiếu niên từ khắp các vùng quê. Chỉ độ 1-2 năm trước, chốn này luật pháp dường như không tồn tại. Tranh cướp, đâm chém, nghiện hút, bài bạc đều có cả. Hàng loạt tên chủ đầu cai ở các bưởng vàng chỉ cần nhắc đến đã khiến người ta dựng tóc gáy: Minh Sẹo, Tuấn Kiên, Hằng Dương…
Sau sự cố đêm 19/8, các chủ bưởng trốn biệt tăm tích, nhiều phu vàng như rắn mất đầu, tháo chạy khỏi miệng thần chết với hành trang không xu dính túi. Bi đát đến cùng cực nhưng ra khỏi cánh rừng, miệng họ vẫn còn lẩm bẩm: Còn sống là may lắm rồi.
Đã 2 ngày nay, khoảng hai chục dân bản mang theo cuốc, xẻng, xà beng lên núi. Họ đào miệt mài từ sáng sớm tinh mơ đến xẩm tối.
Mà Sa Phìn những ngày này, chỉ có bóng dáng những người cha khắc khổ đi tìm con trong cô độc, tuyệt vọng và lớp lớp phu vàng sợ hãi bỏ trốn. Một trại tìm kiếm dã chiến tìm kiếm, cứu nạn đặt tại Mà Sa Phìn để tìm những người mất tích dường như quá xa xỉ, dù rằng đã gần 1 tuần kể từ ngày xảy ra thảm họa.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh làm rõ số người bị tử vong tại Mà Sa Phìn. Ông yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả tai nạn, hỗ trợ gia đình người bị nạn sớm ổn định cuộc sống. |
Theo Hoàng Sang (VietNamNet)