Hôm nay (20/5), thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An), liên quan đến nội dung phản ánh Trường THCS Nghi Quang và Trường THCS Tiến Thiết không cho học sinh có thành tích thấp ôn thi lên lớp 10 công lập, UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện phối hợp với Phòng GD-ĐT, các địa phương, các trường tiến hành xác minh.
Thông tin ban đầu, tại Trường THCS Nghi Quang, sau khi có kết quả thi phân luồng đợt 2 (25/4), lớp 9C có 9 em điểm dưới 12 điểm/3 môn.
Cô Nguyễn Thị Lục - giáo viên chủ nhiệm lớp 9C, đã vận động, định hướng, tư vấn cho các em có kết quả thi thấp không nên thi vào lớp 10, mà nên học trường nghề để “đỡ tốn tiền ôn thi” cho phụ huynh. Ngày 2/5, cô Lục có đăng lên nhóm Zalo của lớp với nội dung: “Thông báo cho phụ huynh các em có điểm thấp không nên cho các em ôn thi vào lớp 10 sau khi kết thúc năm học”.
Sau đó, một học sinh về thông báo với phụ huynh nội dung: “Cô chủ nhiệm không cho thi lớp 10 trường công lập”. Phụ huynh này bức xúc và đã thông tin cho báo chí.
Còn tại Trường THCS Tiến Thiết, sau đợt thi phân luồng đợt 2 vào ngày 25/4, lớp 9A có 4 học sinh điểm thấp. Cô Nguyễn Hồng Thái - chủ nhiệm lớp 9A, nhắn tin riêng cho một số phụ huynh của các em có kết quả thi thấp để định hướng, tư vấn cho gia đình không nên cho các cháu tiếp tục ôn thi vào lớp 10.
Trong đó, có tin nhắn: “Chị cho L. thi lần 2, cháu cố gắng đạt 3 môn tổng điểm 10 thì cho ôn thi tiếp, không đạt thì em thông cảm cho chị”.
Qua tiếp xúc một số phụ huynh, phần lớn đồng tình chủ trương định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Số phụ huynh có con thi phân luồng điểm thấp (trường THCS Nghi Quang có 20 em, trường THCS Tiến Thiết có 19 em kết quả thi dưới 10 điểm). Trong đó, tại Nghi Quang có 11/20 phụ huynh, tại trường Tiến Thiết có 11/19 phụ huynh tự nguyện không đăng ký cho con ôn và dự thi lớp 10 công lập.
Riêng một phụ huynh cho Trường THCS Nghi Quang cho rằng, việc “không cho” các học sinh ôn thi và thi lớp 10 công lập là không đúng, ảnh hưởng đến tâm lý các em. Sau khi được tuyên truyền giải thích, phụ huynh đã hiểu chủ trương của nhà trường.
Còn các thầy cô chủ nhiệm lớp 9 của 2 trường và Phòng GD-ĐT cho rằng, chủ trương định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp là đúng đắn và đã thực hiện trong những năm trước.
Với trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô không muốn các em lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình để ôn thi nên có hướng học nghề sớm. Tuy nhiên có thể trong quá trình truyền đạt chưa khéo léo, dẫn đến phụ huynh, học sinh hiểu sai từ đó bức xúc.
“Việc các thầy cô chủ nhiệm lớp 9 trường THCS Nghi Quang, trường THCS Tiến Thiết triển khai việc này xuất phát từ trách nhiệm của người thầy đối với học sinh, chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực đằng sau việc làm này. Tuy nhiên, trong quá trình truyền đạt cho học sinh và phụ huynh, một số thầy cô dùng từ ngữ chưa phù hợp, dẫn đến phụ huynh, học sinh hiểu sai, từ đó bức xúc” - báo cáo nêu rõ.
Sau sự việc trên, UBND huyện Nghi Lộc đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT rà soát tất cả các trường THCS trên địa bàn, yêu cầu chấn chỉnh việc triển khai định hướng phân luồng cho học sinh, trên cơ sở tự nguyện của học sinh và phụ huynh.
Theo Quốc Huy (VietNamNet)