Sáng 21/7, chiếc Ferrari 488 di chuyển trên tuyến đường mới ở khu vực ngõ 45, đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội. Tới khu vực Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, chiếc xe mất lái, lao lên vỉa hè rồi tông gãy đổ 2 cây xanh.
Tài xế điều khiển chiếc Ferrari là nhân viên garage của Volvo Hà Nội, nơi mà chủ xe đã gửi để sửa chữa, bảo dưỡng.
Clip siêu xe Ferrari bất ngờ lao lên vỉa hè với tốc độ kinh hoàng. |
Chia sẻ với Zing, anh H. (chủ xe) vẫn chưa hiểu nguyên nhân tại sao chiếc xe bị tai nạn. Trước đó, anh thuê xe cứu hộ chở chiếc siêu xe đến cơ sở Volvo Hà Nội để thay dây curoa, bảo dưỡng.
Sau đó, anh nhận được tin chiếc xe của mình xảy ra tai nạn. Chủ xe cho biết hãng Ferrari chưa có cơ sở ở Hà Nội. Anh vẫn thường mang xe vào đây để bảo dưỡng.
Sau khi xảy ra vụ việc, người trực tiếp điều khiển xe gây tai nạn đã liên hệ để xin lỗi chủ xe. Tuy nhiên, những người đứng đầu Volvo Hà Nội và quản lý garage vẫn chưa liên hệ hay gọi điện cho anh.
“Bạn nhân viên đi xe của khách trong giờ làm việc, dưới sự giám sát và quản lý của những người đứng đầu garage, thì không thể chỉ có trách nhiệm của nhân viên này được. Tôi không đồng ý với cách làm việc của Volvo”, chủ xe Ferrari bày tỏ.
Anh cho biết chiếc siêu xe có giá khoảng 23 tỷ đồng. Sau cú tông mạnh, xe bị hư hỏng nặng. “Xe của tôi không có bảo hiểm. Chi phí để sửa chữa ước tính khoảng hơn 6 tỷ đồng”, anh H. nói.
Chủ xe cho biết anh sẽ không tiếp tục sử dụng xe đã bị tai nạn. Chiếc xe dù có sữa chữa cũng rất khó để bán cho người khác. Anh cho biết nếu bên phía Volvo Hà Nội tiếp tục im lặng, anh sẽ đưa vụ việc ra tòa.
Sau vụ việc, nhiều người đặt câu hỏi, ai phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe?
Cũng theo báo trên dẫn lời Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao.
Trường hợp nhân viên cơ sở Volvo Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng xe theo chỉ đạo của công ty, hoặc theo công việc công ty phân công thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe Ferrari thuộc về công ty (pháp nhân) mà nhân viên này đang làm việc.
Điều 600 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra, cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Nếu chiếc Ferrari được chủ xe đã giao cho phía đơn vị dịch vụ quản lý để bảo trì thì trách nhiệm thuộc về công ty có nhân viên gây thiệt hại. Nếu không được giải quyết bồi thường thỏa đáng, chủ xe có thể khởi kiện vụ án dân sự để nhờ tòa án giải quyết.
Trong trường hợp nhân viên hãng garage Volvo Hà Nội thực hiện những công việc ngoài phạm vi công việc được giao như tự ý lấy xe lái thử, do tò mò… công ty vẫn phải đền bù do lỗi của pháp nhân gây ra. Sau khi công ty bồi thường cho chủ xe, đơn vị có quyền yêu cầu nhân viên đền bù cho công ty những thiệt hại mà họ gây nên.
PN (Nguoiduatin.vn)