Chưa đủ lớn để lường trước hậu quả
Tiến sĩ (TS) Hoàng Thị Tuyết (ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định rằng các bạn nhỏ khá liều lĩnh, khờ khạo khi "biểu diễn" cho cảnh quay.
Công văn của VTC gửi Sở GD-ĐT Hà Nội và hai trường THPT Việt Đức, Trần Nhân Tông không thừa nhận dàn dựng phóng sự và tin nhắn được cho là giữa phóng viên VTC và học sinh |
TS. Tuyết nói: “Ở tuổi học sinh, các em chưa biết cách tự bảo vệ mình”.
Bà Tuyết cho rằng: “Các em thiếu khả năng lường trước những gì có thể xảy ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến các em, nhà trường, gia đình...”.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ nhấn mạnh: “Đôi khi, các em chỉ nghĩ đơn giản là mình được lên truyền hình, được tham gia như một trò chơi mà không biết có thể có những hiểu lầm đáng tiếc”.
Quan trọng là mọi người phải hướng dẫn, bảo vệ các em chứ không phải là các em phải tự mày mò về những quyền lợi của mình.
Bí mật đời tư là bất khả xâm phạm
Trao đổi với TTO, luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho biết: “Căn cứ theo điều 38, bộ luật Dân sự thì quyền bí mật đời tư của cá nhân phải được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Luật sư Hậu cho biết thêm Hiến pháp 2013 cũng đang sửa bộ luật Dân sự theo hướng quyền bí mật đời tư là bất khả xâm phạm.
Luật sư Hậu cho biết: “Theo quy định của bộ luật Dân sự tại điều 31, việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của họ. Trường hợp người chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha mẹ hoặc người dại diện của người đó đồng ý. Tuy nhiên, nếu đã đủ 15 tuổi nhưng chưa thành niên thì phải được sự đồng ý của chính người đó”.
Căn cứ trên các quy định của pháp luật, luật sư Hậu nhấn mạnh, trường hợp này, nhà đài phải có văn bản giải thích rõ ràng gửi đến trường học để tránh việc xử lý kỉ luật oan các em và phải công khai thông tin liên quan vụ việc để bảo vệ quyền lợi của các em.
Luật dân sự quy định 56 quyền nhân thân đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 2013. Do đó, cần tuyên truyền cho cộng đồng về những quy định này, nhất là cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính các em
Đừng quên bài học tự bảo vệ mình
Theo chuyên gia tâm lý Minh Huệ: "“Ở tuổi đang lớn thì bất kì lời chỉ trích nào cũng làm các em bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là những cú sốc từ sự đánh giá của cộng đồng mạng. Các em sẽ sợ hãi, cảm giác bị tổn thương” - chuyên gia Minh Huệ cho biết.
Việc truyền thông về hành động của các em thành phóng sự thì rất dễ nhưng để các em thanh minh thì rất khó, không có cách nào để giãi bày.
“Sau những sự cố như thế này, các bạn trẻ cần được sự động viện, cảm thông của mọi người. Nếu tiếp tục bị chỉ trích, kỉ luật sẽ khiến các em đi từ sợ hãi này đến thất vọng khác” - bà Huệ lưu ý.
Ngay từ bé, các em phải được giáo dục, dặn dò trong việc cung cấp những thông tin, hình ảnh của mình cho người khác, nhất là khi mạng xã hội đang bùng nổ. Bà Huệ cho biết, đã có một số gia đình quan tâm giáo dục, giải thích cho con em về việc bảo vệ quyền nhân thân của mình nhưng nhìn chung, số đông gia đình còn lại vẫn chưa để ý.
TS. Tuyết cho rằng có một thực tế, các em không được trải nghiệm nhiều tình huống khác nhau trong bài học trên lớp để biết cách tự bảo vệ bản thân mình.
Tư vấn, nhắc nhở học sinh toàn trường Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai - cố vấn Đoàn trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội (đơn vị có học sinh xuất hiện trong phóng sự) - cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, Đoàn trường sẽ gấp rút tổ chức các buổi sinh hoạt, tư vấn, tham vấn và có nhắc nhở, cảnh báo cho học sinh toàn trường về việc tự bảo vệ bản thân, bảo mật thông tin, hình ảnh của mình, đặc biệt là những học sinh có xuất hiện trong phóng sự. Bên cạnh đó, phòng tham vấn tâm lý sẽ tăng cường hoạt động để hỗ trợ tâm lý các em”. |