Ngày 24/3, Ban tổ chức giải dù lượn "Khám phá Đại ngàn - Sa Thầy 2024" (tỉnh Kon Tum) đã xác nhận, có trường hợp một vận động viên tham gia giải gặp sự cố tử vong. Nạn nhân là phi công Nguyễn Anh T. (39 tuổi, trú Hà Đông, Hà Nội).
Theo đánh giá của các chuyên gia dù lượn, nguyên nhân khiến người này rơi là do sự cố kỹ thuật.
Theo clip mà người dân ghi lại, trong quá trình hạ cánh, cách mặt đất khoảng 20m thì bất ngờ dù lượn của nam vận động viên này bị lệch khiến nạn nhân như rơi tự do xuống đất. Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ đã có mặt đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng nam vận động viên tử vong do vết thương quá nặng. Toàn bộ quá trình vụ tai nạn diễn ra chỉ trong vài giây khiến nhiều người chứng kiến bàng hoàng.
Liên quan đến vụ việc, thông tin trên Tiền Phong chiều 24/3, ông Dương Quang Phục - Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, đại diện huyện Sa Thầy cùng tỉnh Kon Tum đã cử đoàn công tác đi thăm viếng, chia buồn và có một khoản hỗ trợ gia đình nạn nhân. Đồng thời, ban tổ chức cũng đã bố trí xe đưa thi thể nạn nhân về quê để gia đình lo hậu sự.
“Sau khi kết thúc giải, lãnh đạo huyện cũng sẽ họp để đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức”, ông Phục cho hay.
Mặc dù giải đấu còn một ngày nữa (từ 22/3 - 24/3) mới kết thúc nhưng do tai nạn xảy ra và nhận thấy điều kiện thời tiết không đảm bảo nên ban tổ chức đã quyết định huỷ bỏ ngày thi đấu cuối cùng vào hôm nay. Ban tổ chức đã trao giải và làm lễ tưởng niệm phi công thiệt mạng.
Sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, các thành viên giải đấu đã quyên góp được gần 100 triệu đồng hỗ trợ bước đầu cho gia đình anh T..
Các vận động viên tham gia đều bắt buộc mua bảo hiểm
Được biết, giải dù lượn Khám phá Đại ngàn - Sa Thầy 2024 do UBND huyện Sa Thầy phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, Công ty TNHH Thể thao hàng không SGP tổ chức tại xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy.
Chia sẻ trên Người đưa tin, bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, đại diện Công ty TNHH Thể thao hàng không SGP chi nhánh Kon Tum - cho hay, những vận động viên tham gia thi đấu tại giải nhảy dù này đều bắt buộc phải mua bảo hiểm, trước giải đấu ban tổ chức đã kiểm tra việc này.
Hiện tại đơn vị này đang xử lý hồ sơ bảo hiểm cho nạn nhân. Bà Trinh cho biết mức bồi thường cụ thể tùy thuộc vào gói bảo hiểm mà phi công đã mua.
Chia sẻ về môn thể thao mạo hiểm này, đại diện một đơn vị tổ chức các giải dù lượn cho biết trên Tuổi Trẻ, để được cấp phép bay dù lượn, các giải phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe.
Theo đó, loại hình dù lượn có các hình thức bay huấn luyện, bay dịch vụ du lịch, bay thi đấu. Để được bay, ban tổ chức phải có giấy phép bay được Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu cho phép; có hợp đồng bay (kế hoạch bay) được chính quyền địa phương thông qua.
Các phi công tham gia bay cũng được yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ bay dù lượn. Ngoài ra, các phi công tham gia giải dù lượn thường sẽ phải có cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm về các rủi ro, tai nạn trong quá trình thi đấu.
Nói rõ hơn về bảo hiểm rủi ro, đơn vị này cho hay, phi công phải tự mua để bảo vệ rủi ro cho bản thân. Trừ trường hợp bay dịch vụ chở khách du lịch, công ty tổ chức phải mua bảo hiểm cho hành khách.
Trước đó, vào tháng 4/2023, tại Quảng Ninh cũng xảy ra vụ tai nạn rơi máy bay trực thăng chở khách ngắm Vịnh Hạ Long khiến 4 khách du lịch và 1 phi công gặp nạn.
Sau hơn 1 tháng xảy ra vụ rơi trực thăng, Công ty CP Bảo hiểm Việt Nam (PVI) bồi thường cho thân máy bay trực thăng Bell 505 là 1.569.400 USD (hơn 36 tỷ đồng), sau khi trừ đi mức miễn thường. Ngoài ra, Bảo hiểm PVI cũng đã thanh toán toàn bộ số tiền bồi thường cho gia đình phi công bị thiệt mạng là 200.000 USD (hơn 4,6 tỷ đồng).
Về phía 4 hành khách phía bảo hiểm cho biết có trao đổi trực tiếp và thoả thuận bồi thường theo quy định pháp luật.
Theo Trang Anh (Nguoiduatin.vn)