Clip: Kinh hoàng khoảnh khắc ô tô 'điên' lao thẳng vào dòng phương tiện tại ngã tư Xuân La - Võ Chí Công
Xe ô tô BKS 29A-083.12 do ông H.N.V (SN 1960, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) điều khiển đã đâm liên tiếp 18 xe máy khiến các phương tiện này bị hư hỏng và 18 người bị thương.
Qua kiểm tra ban đầu, lái xe không vi phạm nồng độ cồn cũng như chất kích thích. Được biết, người này đang trên đường chở vợ đi khám bệnh về thì gây ra vụ tai nạn trên. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục xác minh, làm rõ vụ tai nạn.
Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, để xác định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với lái xe ô tô, cơ quan chức năng xem xét, làm rõ các tình tiết của vụ việc, nguyên nhân, hậu quả xảy ra.
Theo quy định hiện hành, phương tiện nào khi tham gia giao thông phải đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, đảm bảo an toàn. Điều 10 Thông tư 53/2014/TT-BGTVT cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe trong việc kiểm tra tình trạng hoạt động đảm bảo an toàn kỹ thuật cho xe cơ giới trước khi tham gia giao thông.
Những cá nhân này phải kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên để nắm chắc tình trạng kỹ thuật của xe. Qua đó, kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo cho xe cơ giới hoạt động an toàn, ổn định.
Như vậy, khi cá nhân lái xe tham gia giao thông mà để xảy ra tai nạn, thì nguyên nhân xe mất phanh không được coi là bất khả kháng mà xuất phát từ lỗi của chủ phương tiện hoặc người quản lý, sử dụng xe và người có trách nhiệm bảo dưỡng.
Bên cạnh đó, xe ô tô được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Điều 601 BLDS 2015 nêu rõ, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ…
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hay tình thế cấp thiết.
Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trong vụ tai nạn trên, nếu người điều khiển phương tiện gây tai nạn khai nhận do xe ôtô mất phanh thì cơ quan công an có thể xác minh kiểm chứng thông tin này.
Song, khi có thiệt hại về người và tài sản xảy ra, chủ phương tiện, người quản lý, sử dụng xe…có thể phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do sức khoẻ, tính mạng bị xâm phạm cho gia đình nạn nhân theo Điều 591 BLDS 2015 - luật sư Hồng Vân nhận định.
Trường hợp nguyên nhân của vụ tai nạn không phải do xe mất phanh mà do lái xe đạp nhầm chân ga hoặc đi với tốc độ cao, vượt xe không đảm bảo an toàn, vi phạm quy định về Luật Giao thông đường bộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015 sửa đổi.
Liên quan đến vụ án này, hiện Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về tham gia phương tiện giao thông” theo Điều 260 BLHS và tạm giữ hình sự lái xe Hoàng Ngọc Vĩnh để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)