Vụ nước có mùi hôi ở Hà Nội: Viwasupco đã 'qua mặt' khách hàng như thế nào?

17/10/2019 08:20:59

Theo luật sư, vụ việc Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) bán nước nhiễm styren cho khách hàng đã chứng tỏ công nghệ lọc nước sinh hoạt của đơn vị này không đủ khả năng kiểm soát, loại bỏ được hoàn toàn các tạp chất độc hại…

Vụ nước có mùi hôi ở Hà Nội: Viwasupco đã 'qua mặt' khách hàng như thế nào?
Không dám dùng nước nhiễm bẩn, người dân “rồng rắn” lấy nước sạch tại Nhà máy nước Hạ Đình sáng 16/10. Ảnh: Lê Bảo

Nhiễm dầu nhưng "vẫn đạt chất lượng"(?)

Những ngày vừa qua, đông đảo người dân Hà Nội vô cùng quan tâm đến việc nguồn nước sạch Sông Đà bị kẻ xấu đổ trộm chất thải. Trong sự cố nghiêm trọng lần này Viwasupco được chỉ ra việc bán nước ô nhiễm (có chứa chất styren vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần). Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn (Tổng Giám đốc Viwasupco) đã khẳng định việc không lấy nước ô nhiễm để xử lý và cho rằng, đã khoanh vùng, xử lý và đó là nước bình thường(?).

"Nếu nước không bình thường thì không dám xử lý. Quý vị cũng thông cảm, công ty không phải đặt lợi nhuận lên. Trong 10 năm phục vụ người dân Thủ đô, Công ty đặt sức khỏe, chất lượng của người dân lên trên hết chứ không phải vì cái gì", ông Tốn nói. Theo ông Tốn, qua đây Công ty cũng rút kinh nghiệm trước những phản ánh của khách hàng. Thậm chí, Công ty cũng coi như là có một lỗi.

Trong khi đó, mặc dù phát hiện vết dầu loang từ ngày 9/10 và đến ngày 10/10 nhiều điểm cư dân ở Hà Nội bắt đầu phát hiện nước có mùi lạ nhưng ông Nguyễn Văn Tốn vẫn khẳng định: "100% không lọt thì không dám nhưng kết quả kiểm nghiệm chất lượng hàng ngày của nhà máy thì vẫn đạt chất lượng".

Lý giải về mùi hôi này, ông Tốn cho rằng, theo tiêu chuẩn Bộ Y tế, dư lượng clo trong nước có hàm lượng cho phép từ 0,3 - 0,5 mg/lít nhưng tiêu chuẩn mới là từ 0,2 - 1,0 mg/lít. Khi xử lý nước có dầu loang công ty cũng cho nâng hàm lượng Clo nên có thể người dân, nhất là những người mẫn cảm thấy có mùi khó chịu. Công ty nghĩ đó là mùi clo nhưng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

Ông Tốn khẳng định: "Chúng tôi không bưng bít thông tin. Ngay khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã báo báo cho chính quyền địa phương và Công an tỉnh Hoà Bình. Từ ngày 11/10, đoàn thanh tra liên ngành của Sở Xây dựng và Y tế Hà Nội lên làm việc kiểm tra. Thậm chí, chúng tôi còn thường xuyên liên hệ khách hàng và gửi kế kết quả kiểm tra chất lượng nước do công ty tự kiểm cho họ. Chính tôi gửi kết quả kiểm tra qua mạng xã hội cho 1- 2 khách hàng nên chúng tôi khẳng định là không bưng bít thông tin".

Từ "vô ý" thành "cố ý"

Vụ nước có mùi hôi ở Hà Nội: Viwasupco đã 'qua mặt' khách hàng như thế nào? - 1
Nước đầu nguồn tại nhà máy nước Sông Đà bị đổ trộm chất thải. Ảnh: Bảo Loan

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: "Phía Công ty Viwasupco cố gắng thanh minh, giải trình, luôn tỏ ra mình là bị hại khi bị đối tác đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sông Đà (hay nói cách khác là vô ý bán nước không đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân). Tuy nhiên đánh giá kĩ vụ việc chúng ta sẽ thấy 4 vấn đề lớn mà cần phải xem xét, nghiên cứu, giải quyết để thấy rằng Viwasupco từ vô ý thành cố ý, cố tình, bất chấp mọi hậu quả".

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, điều đầu tiên tất cả chúng ta đều muốn truy đến cùng trách nhiệm của đơn vị đổ dầu thải ra đầu nguồn làm cho Viwasupco "vô ý lọc nước không sạch". Rõ ràng đây là hành vi hủy hoại, làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, sức khỏe rất nhiều người dân ở Thành phố Hà Nội. Đương nhiên là đủ căn cứ khởi tố hình sự đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan vụ việc này.

Cũng theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, qua vụ việc này mới thấy rằng công nghệ lọc nước của Viwasupco có vấn đề rất lớn khi không lọc hết được các loại tạp chất, chất độc hại. Vụ việc không khác gì bài test cho thấy, công nghệ lọc nước sinh hoạt của Viwasupco không đảm bảo các tiêu chuẩn kĩ thuật, không đủ khả năng kiểm soát, loại bỏ được các chất độc hại, cụ thể là styren.

Phía Viwasupco luôn đổ lỗi cho đơn vị khác đổ dầu thải vào đầu nguồn sông Đà là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc. Vậy Viwasupco giải thích thế nào khi biết nước không đảm bảo tiêu chuẩn nhưng vẫn cố bán cho người dân sử dụng? Đến khi dư luận, người dân phản đối mới tìm cách đổ lỗi cho người khác? Đây chính là hành vi cố tình, bỏ mặc mọi hậu quả, thoải thác, đổ trách nhiệm cho người khác. Bản thân Viwasupco hoàn toàn có khả năng ngăn chặn, dừng lại nhưng lại không lựa chọn mà lại tiếp tục bán nước không đảm bảo cho người dân.

Đối với hành vi cố ý, bỏ mặc, bán nước "bẩn" không đảm bảo tiêu chuẩn đủ căn cứ khởi tố hình sự về tội "sản xuất, mua bán hàng giả" bởi nước cũng là loại hàng hóa, người bán không giao hàng đúng chất lượng, không đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép thì vẫn đủ yếu tố cấu thành của tội này. Ngoài ra những người quản lý, đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm...

Tối 15/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà. Báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/10/2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo như sau: UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân. UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực trên. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân. Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)

 

 

Nổi bật