Liên quan đến vụ ngộ độc tập thể tại trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa), VnExpress đưa tin, TS. Vương Ánh Dương, Cục phó Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đang cùng ba bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hỗ trợ Khánh Hòa điều trị học sinh bị ngộ độc. Sáng nay, các chuyên gia và Sở Y tế Khánh Hòa họp, thống nhất hướng điều trị, dự phòng và truy xuất nguồn gốc nhiễm khuẩn.
Theo ông Dương, có 206 bệnh nhân gồm một số cô giáo và khoảng 200 học sinh đang điều trị tại 7 cơ sở y tế. Trong đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị 85 ca - nhiều nhất, các bệnh nhân khác nằm tại Bệnh viện 22/12, Quân y 78, Trung tâm Y tế huyện Yên Khánh và một số bệnh viện tư nhân.
Đa số bệnh nhân tiến triển tích cực, sức khỏe ổn định, tỉnh táo, đỡ mệt, không nôn, không sốt, hết tiêu chảy. Hai bệnh nhi còn điều trị hồi sức tích cực là một bé 11 tuổi (tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa), một em 16 tuổi (ở một bệnh viện tư nhân).
"Một số trường hợp diễn biến nặng một phần do gia đình phát hiện bé có triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nhưng không đưa đi viện ngay", ông Dương nói. Có những cháu ở nhà qua đêm, hôm sau mới được đưa đi viện. Một số cháu vào viện do tiêu chảy dữ dội, bị tụt huyết áp mạnh, sốt rất cao, rối loạn điện giải, co giật, phải điều trị hồi sức tích cực.
"Điều rất đáng tiếc là có một trẻ tử vong. Vụ ngộ độc thực phẩm này được xác định là nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella. Còn để xác định chính xác do mẫu thức ăn nào bị nhiễm khuẩn thì cần chờ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang trong chiều 22/11. Từ đó, sẽ truy xuất xác định công đoạn nào trong chuỗi cung ứng thức ăn bị nhiễm khuẩn vi khuẩn salmonella". TS Dương cho biết trên Dân Trí.
Trao đổi với Zing, TS. Nguyễn Thị Hương Giang, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, cho biết phác đồ điều trị hiện tại là dùng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Salmonella, thời gian điều trị khoảng 5 đến 7 ngày, tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột và chữa các triệu chứng.
“Các bác sĩ đang tiếp tục truyền kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn Sabonella, đồng thời cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Loại vi khuẩn này thì hầu như không để lại di chứng”, TS. Giang cho biết.
Tuy nhiên nữ chuyên gia lưu ý sau khi nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn thì hệ vi sinh đường ruột thường chưa cân bằng lại được, do đó cần cho các cháu ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu và đặc biệt phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa tay thường xuyên sau khi đi vệ sinh và trước ăn.
“Sau khi điều trị bằng kháng sinh thì các vi khuẩn Sabonella sẽ bị tiêu diệt, tuy nhiên có thể có trường hợp vi khuẩn sống thành quần cư trong đường tiêu hóa, do đó vẫn có nguy cơ lây nhiễm, tái nhiễm do vậy vấn đề vệ sinh phải được chú ý”, TS. Giang nhấn mạnh.
Trưa 17/11, học sinh trường iSchool Nha Trang tổ chức ăn bán trú cho 930 học sinh, chia làm 2 suất trưa và xế. Cơm trưa có gà sốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh (xương + cà rốt + cải thảo), dưa leo. Bữa xế có bánh ngọt, uống nước tại hệ thống lọc của trường.
Sở Y tế Khánh Hòa xác định vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khoảng 22h30 ngày 17/11, đến nay có 662 ca nhập viện do ngộ độc, trong đó 247 ca xử trí ổn định cho về theo dõi và có 388 ca nhập viện điều trị nội trú, ca tử vong là học sinh lớp một.
Đến 11h ngày 22/11, có 251 ca xuất viện, còn 137 ca đang điều trị tại các bệnh viện ở TP Nha Trang và không còn ca nặng.
PN (Nguoiduatin.vn)