Khuẩn Salmonella, kẻ 'tình nghi' khiến hàng trăm HS Ischool Nha Trang nhập viện nguy hiểm ra sao?

22/11/2022 07:30:12

Khuẩn Salmonella - thủ phạm khiến hàng trăm học sinh ở Nha Trang ngộ độc thực phẩm, thường gây triệu chứng đường tiêu hóa, trường hợp nặng có thể tử vong.

Mới đây, 387 học sinh trường Ischool Nha Trang phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm trưa tại trường, trong đó một bé tử vong. Tối 21/11, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) cho thấy tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella.

Bác sĩ Châu Tố Uyên, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho VnExpress biết khuẩn này thường có trong thịt, gia cầm, sữa, lòng đỏ trứng sống hoặc bị ô nhiễm. Vi khuẩn có thể lây lan qua dao, bề mặt cắt hoặc dụng cụ xử lý thực phẩm bị nhiễm.

Biểu hiện nhiễm độc là nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt..., có thể khởi phát 1-3 ngày sau nhiễm. Trong đó, triệu chứng nghiêm trọng nhất là mất nước và các muối, khoáng chất cần thiết. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh mạn tính có thể bị mất nước nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

"Nếu bệnh nhân không nhập viện bù điện giải kịp thời sẽ dễ co giật, biến chứng. Một số trường hợp có thể nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan, nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Doãn Uyên Vy, chuyên gia chống độc, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.

Khuẩn Salmonella, kẻ 'tình nghi' khiến hàng trăm HS Ischool Nha Trang nhập viện nguy hiểm ra sao?
Học sinh trường Ischool Nha Trang tại bệnh viện 22-12. Ảnh do bệnh viện cung cấp

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Salmonella thường gây bệnh tiêu chảy nhiều nhất, ngoài ra có các loại Salmonella khác – Salmonella Typhi và Salmonella Paratyphi – gây sốt thương hàn và phó thương hàn.

CDC ước tính vi khuẩn Salmonella gây ra khoảng 1,35 triệu ca nhiễm trùng, 26.500 ca nhập viện và 420 ca tử vong ở Hoa Kỳ mỗi năm và thực phẩm là nguồn gốc của hầu hết các bệnh này.

Khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

VietNamNet dẫn lời PGS.TS Trịnh Thị Xuân Hoà – Bộ môn Truyền nhiễm (Học viện Quân y 103) cho biết Salmonella là loại khuẩn gặp nhất trong các nguyên nhân gây nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Bệnh gặp khắp nơi trên thế giới, nhất là các n­ước nhiệt đới.

Theo báo cáo hàng năm của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) và Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC), gần 1/3 số vụ ngộ độc thực phẩm tại châu Âu trong năm 2018 do Salmonella gây ra.

Tại Việt Nam, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do khuẩn Salmonella. Điển hình năm 2018, khoảng 200 em học sinh mầm non ở Đông Anh (Hà Nội) phải nhập viện hay năm 2019, hơn 50 người dân ở Hà Tĩnh bị ngộ độc sau khi ăn đám giỗ cũng do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn này.

Khuẩn Salmonella, kẻ 'tình nghi' khiến hàng trăm HS Ischool Nha Trang nhập viện nguy hiểm ra sao? - 1
Trứng có thể nhiễm khuẩn Salmonella.

Khuẩn Salmonella có sức đề kháng rất cao, khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài tốt, trong môi trường nước hay phân từ 2 - 3 tuần; trong nước đá từ 2 - 3 tháng. Salmonella sống đư­ợc cả ở trong thực phẩm có nồng độ muối, đường cao.

Khuẩn này bị huỷ trong vòng 1 giờ ở nhiệt độ 50 độ C hoặc trong vòng 5 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Chất sát khuẩn thông thường có thể tiêu diệt khuẩn Salmonella.

Về đư­ờng lây, khuẩn này có thể lây bằng đường tiêu hóa, khi ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật nhiễm Salmonella như­: Thịt (đặc biệt thịt tái, sống), sữa, trứng (gà, vịt), trai, sò, hến nấu chưa chín…; hoặc khi dùng rau sống, hoa quả, nu­ớc uống bị nhiễm Salmonella.

Theo Bộ Y tế, khoảng 2-20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường từ 2-3 tháng sau khi hết các triệu chứng.

Biến chứng

Nhiễm khuẩn salmonella thường không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ở một số người, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người được ghép tạng, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu, vi khuẩn này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các biến chứng khi bị nhiễm khuẩn salmonella gồm:

Mất nước: Tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, khô miệng, lưỡi, mắt trũng sâu, khóc không nước mắt, mệt mỏi, khó chịu, lú lẫn...

Nhiễm trùng huyết: Nếu nhiễm khuẩn salmonella xâm nhập vào máu, nó có thể lây nhiễm khắp mô, gây nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm tủy xương...

Viêm khớp phản ứng: Những người đã bị nhiễm khuẩn salmonella có nguy cơ cao bị viêm khớp phản ứng, còn được gọi là hội chứng Reiter, gây tình trạng kích ứng mắt, tiểu buốt, đau khớp...

Khi bị ngộ độc thực phẩm do Salmonella, quan trọng nhất là bù đắp đủ các chất lỏng và chất điện phân đã mất do bị tiêu chảy. Khi nhiễm vi khuẩn salmonella nên uống nước hoặc các chất lỏng bổ sung. Điều chỉnh chế độ ăn uống cho bệnh nhân với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, nên tránh các sản phẩm từ sữa.

Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều để chống lại tình trạng nhiễm khuẩn và nhiễm độc. Với những trường hợp bị nôn không ăn uống được, người bệnh kể cả trẻ nhỏ cũng có thể cần truyền tĩnh mạch.

Ai dễ nhiễm khuẩn?

Theo chuyên gia tất cả mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, hay gặp ở trẻ nhỏ, ngư­ời già có sức đề kháng yếu.

- Những người không có axid dạ dày do cắt dạ dày hoặc dạ dày thiểu toan thường dễ mắc bệnh.

- Những ngư­ời bị suy giảm miễn dịch (do bẩm sinh hoặc do những bệnh ở đường tiêu hóa nh­ư ung thư­, viêm đại trực tràng xuất huyết, xơ gan… ) dễ mắc các thể nặng như­: Nhiễm khuẩn huyết, ổ mủ ở các phủ tạng…

Khuẩn Salmonella, kẻ 'tình nghi' khiến hàng trăm HS Ischool Nha Trang nhập viện nguy hiểm ra sao? - 2
Vi khuẩn Salmonella.

Tuân thủ 10 nguyên tắc an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế để phòng bệnh:

- Chọn thực phẩm an toàn

- Nấu kỹ thức ăn

- Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín

- Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín

- Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn

- Không để lẫn thực phẩm sống và chín

- Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ

- Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ

- Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác

- Sử dụng nguồn nước sạch

PN (Nguoiduatin.vn)