Vụ mổ tay trái rút đinh tay phải: Bác sĩ mổ 5 ca/ngày rất dễ nhầm

22/06/2016 14:33:00

“Mỗi bác sĩ mổ 4-5 ca/ngày, lại là người vào phòng mổ sau cùng, nếu không có sự kiểm tra thông tin bệnh nhân giữa bác sĩ mổ và nhân viên phụ mổ thì rất dễ nhầm lẫn” – một bác sĩ phẫu thuật (giấu tên) cho biết ngày 22.6.

 
“Mỗi bác sĩ mổ 4-5 ca/ngày, lại là người vào phòng mổ sau cùng, nếu không có sự kiểm tra thông tin bệnh nhân giữa bác sĩ mổ và nhân viên phụ mổ thì rất dễ nhầm lẫn” – một bác sĩ phẫu thuật (giấu tên) cho biết ngày 22.6.
vu mo tay trai rut dinh tay phai: bac si mo 5 ca/ngay rat de nham hinh anh 1
Bé L. với cả hai tay bị băng bó. Ảnh: IT

Bác sĩ này phân tích, bác sĩ phẫu thuật cũng chỉ mổ, còn các công đoạn chuẩn bị mổ như chuẩn bị phương tiện mổ, gây mê bệnh nhân… đều do bác sĩ gây mê, phụ mổ phụ trách. Bác sĩ phẫu thuật là người bước vào phòng mổ sau cùng, khi nhân viên phụ mổ đã đặt toan (khăn mổ vô khuẩn) lên phần cơ thể cần phẫu thuật, chỉ để hở chỗ cần mổ. Vì thế, nếu không có sự thống nhất giữa bác sĩ mổ và nhân viên phụ mổ thì việc nhầm lẫn bên trái, bên phải rất dễ xảy ra. Thậm chí từng xảy ra trường hợp bệnh nhân cắt dạ dày và bệnh nhân cắt thận vào nhầm phòng mổ, suýt để xảy ra “cắt nhầm”.

“Từ lâu, Bộ Y tế cũng đã ban hành Bảng kiểm tra an toàn phẫu thuật nhằm hạn chế tối đa các tình huống nhầm lẫn trong phẫu thuật. Bảng này yêu cầu kiểm tra tiền gây mê, trước khi rạch da và trước khi bệnh nhân rời phòng mổ. Cụ thể, người phụ trách Bảng kiểm tra xác nhận với bệnh nhân (hoặc người nhà bệnh nhân) đúng tên, tuổi, bệnh lý, vị trí phẫu thuật trước khi gây mê, xác nhận chắc chắn bệnh nhân đồng ý phẫu thuật và phương pháp phẫu thuật đã giải thích trước. Khi bác sĩ mổ vào phòng, người phụ trách lại đọc to bằng lời xác nhận thông tin với bác sĩ mổ… Nếu làm đúng quy trình này, các sự cố trong phẫu thuật chắc chắn sẽ giảm tối đa” – bác sĩ này cho biết.

Trước đó, gia đình bé Phạm Thành L, 6 tuổi, quê ở xóm 6, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã chia sẻ thông tin con mình bị mổ nhầm từ tay phải sang tay trái. Cụ thể, bé L. bị ngã gãy tay (cổ tay phải), được đóng đinh cố định tại Bệnh viện 115 Nghệ An. Bác sĩ hẹn sau 3 tháng phải quay lại mổ để lấy đinh ra. Đến hẹn, ngày 15.6.2016, chị Lê Thị Th, mẹ cháu L đã đưa con đến Bệnh viện 115 Nghệ An để khám lại và đưa vào phòng phẫu thuật để rút đinh. Tuy nhiên, khi đón con từ phòng mổ ra, chị Th thấy con mình bị băng bó cả hai cổ tay. Theo lãnh đạo Bệnh viện 115 Nghệ An giải thích do vết sẹo ở cổ tay phải của bé L không còn nên các bác sĩ nhầm lẫn mổ sang… tay trái.

Ngày 22.6, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu Sở Y tế Nghệ An làm rõ vụ việc “mổ tay trái rút đinh tay phải” ở Bệnh viện 115 Nghệ An. Theo đó, Sở Y tế Nghệ An phải khẩn trương xác minh, làm rõ nguyên nhân xảy ra sai sót, kiểm điểm các cá nhân, tập thể nếu do lỗi cá nhân, tập thể, có biện pháp khắc phục sự cố, phòng ngừa các tai biến có thể xảy ra.

 
Theo Diệu Linh (Dân Việt)

Nổi bật