Trước thông tin hơn 300 thi thể thai nhi phần lớn là có nguồn gốc từ các bệnh viện, chiều 25-4, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Võ Thành Lợi, Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Cà Mau, cho biết việc này là không thể. Ông Lợi khẳng định quy trình tiếp nhận và xử lý các trường hợp thai lưu đến chấm dứt thai kỳ hoặc những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện rất chặt chẽ và theo đúng quy định.
Cụ thể, nếu phát hiện trường hợp thai lưu, bệnh viện sẽ mời người nhà sản phụ để thông báo tình hình của mẹ và bé. Nếu thân nhân sản phụ có điều kiện đem về chôn cất, bệnh viện sẽ bàn giao thi thể bé, có biên bản xác nhận cụ thể. Trường hợp người nhà không đủ điều kiện chôn cất, bệnh viện sẽ phối hợp với các tổ chức thiện nguyện ở địa phương chôn cất theo đúng quy trình. "Thông thường phía bên các tổ chức sẽ mang về bảo quản và định thời gian cụ thể để chôn cất. Ngày đi chôn, các tổ chức này cũng có điện thoại cho người nhà cùng đi để biết vị trí an nghỉ của bé. Trước giờ quy trình chúng tôi làm rất chặt", ông Lợi nói.
Riêng đối với trường hợp các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có bệnh lý nặng dẫn đến tử vong, bệnh viện sẽ tiến hành mời công an phường đến để lập biên bản. Sau đó bệnh viện cũng tiến hành liên hệ để chôn cất thi thể các bé. "Ở bệnh viện, rác y tế đó dứt khoát là không có bỏ ra ngoài", ông Lợi khẳng định.
Cũng theo ông Lợi, mỗi năm trung bình bệnh viện tiếp nhận từ 9.000 – 10.000 sản phụ. Tuy nhiên số lượng thai nhi chết lưu hay trường hợp trẻ sơ sinh chết do bị bỏ rơi rất ít, khoảng 10 trường hợp/năm. Hầu hết đều được gia đình mang về chôn cất, số thi thể bé nhờ các tổ chức rất thấp. "Nếu gia đình không có điều kiện thì bác sĩ trực sẽ báo cho ban giám đốc đưa ra hướng xử lý theo quy trình của bệnh viện. Lâu lâu mới có một trường hợp không có điều kiện chôn đặt vấn đề với bệnh viện thì đơn vị sẽ liên hệ các nơi để xin", ông Lợi cho biết thêm.
Về việc xử lý rác thải tại bệnh viện, ông Lợi cho hay đối với chất thải y tế rắn và lỏng, bệnh viện tiến hành xử lý tại chỗ qua hệ thống. Còn đối với rác sinh hoạt, rác y tế, mỗi buổi nhân viên bệnh viện gom 2 – 3 lần/ngày, tùy số lượng nhiều hay ít. "Tại các khoa phòng, nhân viên sẽ phân loại rác, sau đó đội lao động gom về khu xử lý và đốt tại lò chuyên dụng của bệnh viện. Chỉ có rác thải sinh hoạt mới đưa về nhà máy rác xử lý", ông Lợi thông tin.
Chiều cùng ngày, ông Phan Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, thông tin hiện đơn vị đã chỉ đạo các phòng chức năng thành lập tổ công tác đến nhà máy xử lý rác thải nắm tình hình. Dự kiến, qua lễ 30-4 và 1-5, tổ công tác sẽ đến nhà máy để làm việc. "Sau khi tổ công tác làm việc xong với nhà máy về mới đề xuất bước tiếp theo", ông Vũ cho biết thêm.
Cũng theo ông Vũ, việc có khai quật các mộ chôn thi thể thai nhi UBND TP Cà Mau sẽ quyết định sau khi xuống nhà máy nắm tình hình cụ thể.
Như đã thông tin, liên quan đến vụ việc hơn 300 thi thể thai nhi được phát hiện trong 7 năm qua tại Nhà máy Xử lý rác TP Cà Mau, ngày 24-4, ông Nguyễn Hoàng Thám, Giám đốc nhà máy, tiết lộ sau khi nhà máy sau khi đi vào hoạt động hơn 1 tuần đã phát hiện thi thể thai nhi đầu tiên.
"Khi phát hiện, công ty mua khăn, quần áo trẻ sơ sinh rồi vệ sinh thi thể sạch sẽ, sau đó quấn khăn, đặt vào quách đem đi an táng. Tính trung bình chi phí cho mỗi lần chôn cất khoảng 300.000 – 400.000 đồng" - ông Thám cho biết.
Cũng theo các tài liệu ông Thám cung cấp cho thấy Nhà máy Xử lý rác TP Cà Mau do Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) làm chủ đầu tư, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5-2012. Sau hơn 1 năm hoạt động, nhà máy đã phát hiện hơn 10 thi thể trong lúc phân loại, xử lý rác thải.
Trước tình hình đó, ngày 10-6-2013, lãnh đạo công ty đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau xin được cấp đất để chôn thi thể thai nhi khi phát hiện tại nhà máy. Sau đó, UBND tỉnh ban hành công văn khẩn giao UBND TP Cà Mau xem xét, bố trí phần đất thuộc dự án nghĩa trang thành phố để công ty sử dụng.
"Lúc trước, khi phát hiện thi thể thai nhi, đến năm 2013 đơn vị đã lường trước vấn đề quỹ đất hạn hẹp nên đã có tờ trình xin ý kiến của UBND tỉnh và UBND tỉnh đã giao lại cho UBND TP Cà Mau để thực hiện giải quyết vấn đề trên nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết" - ông Thám nói.
Theo anh Anh Lê Minh Cảnh, Tổ trưởng công nhân sản xuất tại nhà máy xử lý rác, đa số các thi thể thai nhi khi được phát hiện là từ những bọc rác có nguồn gốc từ các bệnh viện. Anh Cảnh cho biết do làm việc lâu năm ở đây nên rất dễ để phân biệt bọc nào là rác sinh hoạt, bọc nào là rác thải y tế. Nhiều năm nay, khi phát hiện thi thể các thai nhi xấu số đều từ các bọc màu đen, to, có giấy báo quấn lại.
"Xe lấy rác vẫn là xe của công trình đô thị, nhưng đặc biệt là các xe đó chuyên lấy rác từ các bệnh viện. Tôi làm lâu năm và có kinh nghiệm, đổ rác xuống nhìn bọc là đã biết rác đó ở đâu" - anh Cảnh thông tin thêm.
Theo Song Anh - Vân Du (Nld.com.vn)