Sáng 25-4, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – thương mại – du lịch Công Lý (Công ty Công Lý), chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau, cho biết những lần phát hiện đầu tiên, phía nhà máy có báo chính quyền địa phương nhưng không có lập biên bản sự việc. "Đâu có ai quy định gì đâu, thấy như thế nên nhà máy mua quan, quách đem ra ngoài đó chôn thôi", ông Dân thông tin.
Ông Nguyễn Hoàng Thám, Giám đốc Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau, cho hay những lần đầu khi phát hiện thi thể thai nhi trong lúc phân loại xử lý rác, ông có báo cáo với lãnh đạo công ty và mời lãnh đạo địa phương đến để hỗ trợ việc xử lý. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khi vào hiện trường thấy thi thể còn nhỏ, xác định là người ta bỏ đi nên yêu cầu nhà máy chôn cất. "Công ty thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của địa phương, nói chung là vô chỉ đạo giải quyết công việc bằng miệng. Tại vì nhìn thấy tội quá, hơn nữa là tâm linh nên không có làm giấy tờ hay biên bản sự việc", ông Thám lý giải.
Cũng theo ông Thám, những lần đầu có liên hệ xin ý kiến chính quyền địa phương, tuy nhiên, nhiều lần sau các công nhân của nhà máy chỉ xin ý kiến lãnh đạo đơn vị rồi tự tiến hành chôn cất các thi thể xấu số.
Trước đó, Công ty Công Lý đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau về việc hỗ trợ xử lý tình trạng trên. Theo tờ trình của Công ty Công Lý, từ khi hoạt động (năm 2012) đến nay, nhà máy rác này đã phát hiện hơn 300 thi thể thai nhi lẫn theo rác tập kết vào nhà máy. Sau đó, nhà máy đã tổ chức chôn cất cho các thai nhi xấu số trên. Song, do quỹ đất của nhà máy đã đầy, không còn chỗ chôn cất. Nếu hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.
Trước thực tế trên, Công ty Công Lý trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất thai nhi và kiểm tra đầu nguồn rác để giảm thiểu việc thai nhi tập kết theo nguồn rác thải vào nhà máy.
Ngày 24-4, trao đổi với một tờ báo, ông Nguyễn Văn Dũng, quyền Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, cho biết ông đã đọc được nội dung tờ trình của Công ty Công Lý. Đọc xong, ông cảm thấy "rất bất ngờ" về con số mà Công ty Công Lý nêu ra. "Khi các thai nhi được xác nhận đã tử vong, bệnh viện sẽ bàn giao cho gia đình, hồ sơ có người nhà ký đàng hoàng. Trước mắt, sở đã rà soát, và khẳng định là các bệnh viện không có chuyện bỏ xác thai nhi theo rác thải. Còn với các phòng khám thì đã nghiêm cấm tuyệt đối rồi", ông Dũng xác nhận với tờ báo.
Cùng ngày, trả lời với tờ báo trên, đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết mình chưa từng nghe báo cáo về thông tin này trước đây. "Nếu phát hiện thai nhi có hình dạng, phải báo ngay cơ quan chức năng, cơ quan công an để tổ chức khám nghiệm. Điều này pháp luật đã quy định rõ. Thai nhi bị cha mẹ từ bỏ, hay bất kỳ vấn đề nào khác, cũng phải trình báo để công an xử lý. Trường hợp thai chết lưu ở bệnh viện, các bệnh viện đã có quy trình xử lý chi tiết", đại tá Trương Ngọc Danh khẳng định.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định sẽ cho kiểm tra thông tin liên quan đến việc này.
Theo Song Anh - Vân Du - Công Tuấn (Nld.com.vn)