Trao đổi với chúng tôi, chị Huỳnh Thị Điệp - Tổ phó tổ công nhân, người trực tiếp liệm cho những thai nhi trước khi chôn cất cho biết: “Khi phát hiện xác thai nhi trong lúc phân loại rác, thông thường các chị em sẽ lập tức báo cho tôi. Từ năm 2013 đến nay, số lượng thai nhi được chúng tôi chôn cất rất nhiều. Thi thể thai nhi lớn nhỏ đều có”.
Clip lời kể những công nhân trực tiếp phát hiện, chôn cất thai nhi trong nhà máy rác. |
Chị Điệp nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi liệm một xác thai nhi vào năm 2013, là một thai nhi không còn nguyên vẹn. Tôi bị ấn tượng sâu sắc vì bé đó rất lớn, nặng khoảng 5kg. Tối hôm đó về nhà tôi không thể nào ngủ được, nhắm mắt lại là hình ảnh đó hiện ra”.
Theo chị Điệp, ở những lần đầu tiên chị em công nhân rất sợ khi phát hiện thi thể thai nhi, nhưng càng về sau khi số lượng phát hiện nhiều lên thì họ cũng quen dần. Bây giờ, mỗi khi phát hiện thi thể thai nhi thì mỗi người một việc để chôn cất sớm, vì để càng lâu lại càng tội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà máy hỗ trợ tiền mua đồ để liệm và chôn cất các thai nhi này. Thai nhi được đưa đến khu vực bờ liếp cặp hàng rào để chôn cất.
Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Hoàng Thám - Giám đốc Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau thông tin: “Từ khi vận hành đến nay, nhà máy đã phát hiện hơn 300 thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải hàng ngày tập kết về nhà máy. Khi phát hiện xác thai nhi, chúng tôi sẽ tiến hành vệ sinh, mua đồ tẩm liệm và mua quan quách bỏ vào rồi đem chôn cất trong khuôn viên của nhà máy. Hàng tháng, nhà máy có mời các nhà sư đến cầu siêu cho các thai nhi này”.
Theo ông Thám, hiện nay quỹ đất nhà máy đã đầy, không còn chỗ để tiếp tục chôn cất, còn nếu thực hiện hỏa thiêu, nhà máy không đủ kinh phí. Trước thực tế này, công ty trình UBND tỉnh xem xét hướng giải quyết cấp thêm đất và hỗ trợ chi phí chôn cất cho các thai nhi.
Trong khi đó, trả lời báo chí về vụ việc, ông Nguyễn Văn Dũng - quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau tỏ ra khá bất ngờ về con số hơn 300 xác thai nhi được phát hiện trong nhà máy rác. Ông Dũng cho biết, đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra.
Theo ông Dũng, khi các thai nhi được xác nhận đã tử vong, bệnh viện sẽ bàn giao cho gia đình, hồ sơ có người nhà ký rõ ràng. Trước mắt, Sở đã rà soát và khẳng định không có chuyện các bệnh viện bỏ xác thai nhi theo rác thải, còn đối với các phòng khám thì nghiêm cấm tuyệt đối.
Như Dân Việt đã thông tin, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh này gửi UBND TP.Cà Mau đề nghị đơn vị này chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh về tình trạng xác thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải tập kết về Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.
Trước đó, Công ty Công Lý có tờ trình hỗ trợ xứ lý tình trạng trên. Theo tờ trình của công ty, tính từ khi đi vào hoạt động đến nay đã phát hiện hơn 300 xác thai nhi. Từ đó, nhà máy phải thực hiện chôn cất các thai nhi trên trong khuôn viên nhà máy. Đến nay, quỹ đất đầy không còn chỗ chôn cất, trong khi hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.
Nói về vấn đề này, ông Tô Hoài Dân - Tổng giám đốc Công ty Công ty Công Lý, cho rằng: “Công ty đã nhiều lần phản ánh tình trạng phát hiện xác thai nhi trong rác thải. Chúng tôi kiến nghị tỉnh sớm có hướng giải quyết, không thể để tình trạng này tiếp tục diễn ra. Phương pháp hữu hiệu nhất là công tác kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc bỏ thai nhi theo xe rác vào nhà máy”.
Theo Chúc Ly (Dân Việt)