Sự kiện gần 600 người Trung Quốc biểu diễn áo dài tại Cung Quy hoạch – Hội chợ và triển lãm (còn gọi là Cung Cá heo), trên địa bàn phường Hồng Hà, TP Hạ Long (Quảng Ninh) vào ngày 10/12 đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Lý giải về sự việc này, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước đó, ngày 6/12, đơn vị nhận được thông báo về chương trình giao lưu văn hóa nội bộ không bán vé của Công ty TNHH 1TV TM và lữ hành Quốc tế Quảng Ninh (Cty Lữ hành Quốc tế Quảng Ninh).
Thông báo nêu rõ đây là chương trình tổng kết cuối năm, được tổ chức văn nghệ để tri ân khách hàng. Sự kiện do chính người tham dự hội nghị tham gia thực hiện với số lượng từ 400 – 600 người (từ ngày 10-12/12).
Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ tổ chức cho người Việt Nam hay người nước ngoài, nên Sở VH&TT đã đề nghị doanh nghiệp thông tin rõ hơn về chương trình này trước ngày 10/12 để từ đó có căn cứ hướng dẫn theo quy định.
Cũng theo đại diện Sở VH&TT Quảng Ninh, nếu chương trình có sự tham gia của người nước ngoài thì theo Nghị định 79/2012 của Chính phủ, doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh tổ chức biểu diễn nghệ thuật; diễn viên tham gia phải được Cục quản lý XNC đồng ý cho vào Việt Nam du lịch kết hợp biểu diễn; ngoài ra, phải có văn bản đồng ý chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh và Hội đồng nghệ thuật của Sở thẩm định chương trình trước khi cấp phép.
Mặc dù Sở VH&TT Quảng Ninh chưa có ý kiến cụ thể về thông báo trên nhưng trước đó, ngày 2/12, sau khi nhận được đơn của Công ty Lữ hành quốc tế Quảng Ninh đề nghị tổ chức giao lưu đồng diễn thể dục dưỡng sinh cho các đoàn khách du lịch quốc tế tại khu vực Cung Cá heo, UBND TP Hạ Long đã đồng ý và yêu cầu Công an thành phố Hạ Long, UBND phường Hồng Hải đảm bảo an ninh trật tự và quản lý nhà nước trên địa bàn.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời chỉ đạo và đình chỉ mọi hoạt động của Cty Lữ hành quốc tế Quảng Ninh liên quan đến sự kiện gần 600 du khách Trung Quốc trình diễn áo dài "chui", tuy nhiên sự kiện đã khiến dư luận một lần nữa bức xúc.
Trước đó không lâu, dư luận đã vô cùng phẫn nộ về các thiết kế thời trang được đăng tải trên báo chí Trung Quốc giống hệt áo dài Việt Nam, cùng với nón lá, mấn đội đầu nhưng lại được gọi là phong cách Trung Quốc.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ĐHQH Dương Trung Quốc cho rằng: "Chúng ta mở rộng cửa cho người nước ngoài vào Việt Nam là để tham quan, du lịch, giao lưu văn hóa. Sự kiện diễn ra tại Quảng Ninh là vấn đề quản lý văn hóa.
Việc trình diễn cái gì mang yếu tố văn hóa thì đã có quy định của nhà nước. Những cơ quan liên quan đã buông lỏng hoặc "mắt nhắm mắt mở" cho sự kiện diễn ra thì nên khiển trách, xử lý mà lấy đó làm tấm gương để rút kinh nghiệm.
Tôi nhấn mạnh là chúng ta không kỳ thị bất kỳ văn hóa nào nhưng nếu muốn thể hiện, trình diễn trên lãnh thổ Việt Nam thì phải có bài bản, đúng quy định pháp luật của Việt Nam, kể cả Việt Nam tới các nước khác cũng tương tự.
Vì là vấn đề quản lý văn hóa nên trách nhiệm đầu tiên phải chính là cơ quan quản lý của địa bàn đó. Chúng ta là chủ nhà mà làm không chặt, vì những lợi ích về doanh thu mà bất chấp thì đầu tiên phải xem lại chế tài của cơ quan quản lý".
Theo ĐBQH Dương Trung Quốc: "Qua những sự việc này, có lẽ đã đến lúc chúng ta cũng cần phải biết bảo vệ di sản của chúng ta. Trong chừng mực nào đó, nếu thấy đầy đủ các yếu tố thì chúng ta đăng ký áo dài như một phần di sản vật thể của Việt Nam".
Theo Khánh Linh (Giadinh.net.vn)