Áo dài truyền thống Việt Nam bị NTK Trung Quốc "mượn"
Cụ thể, tối 21/11 trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh tờ China Daily phiên bản tiếng Anh đăng nhiều hình ảnh trình diễn của dàn mẫu nữ trong trang phục áo dài cùng dòng tiêu đề: "Chinese style delights China S/S Fashion Week" (Phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week).
Không giống với những bộ sườn xám của Trung Quốc có từ trước đó, BST Xuân - Hè 2019 này của thương hiệu Ne Tiger lại giống hệt áo dài truyền thống của Việt Nam từ kiểu dáng, hoạ tiết đến các phụ kiện đi kèm như nón lá, mấn, guốc mộc... Tất cả đều mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Việt Nam nhưng lại được chú thích "phong cách Trung Quốc"; thậm chí nhiều trang mạng bán hàng của Trung Quốc còn gọi đó là "sườn xám cách tân".
Theo bài viết trên trang Sina vào tháng 10/2018, bộ sưu tập này của Ne Tiger được "lấy cảm hứng" từ Quốc phục các quốc gia nằm trên "Con đường tơ lụa" cách đây 613 năm.
Người sáng lập ra thương hiệu Ne Tiger, Trương Chi Phong thời điểm đó chia sẻ rằng đội ngũ thiết kế mất hơn một tháng để thu thập tư liệu trang phục truyền thống tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Hình ảnh về vật tổ, phù hiệu đặc trưng của từng nước sẽ được tích hợp vào mẫu trang phục Trung Quốc để tái hiện sự hùng vĩ của con đường tơ lụa trên biển.
Nhưng dù có "ngụy biện" đến mấy thì việc công khai sử dụng áo dài Việt Nam như một trang phục của Trung Quốc cũng là hành động không thể chấp nhận được. Dư luận cho rằng đây là hành động vô cùng lỗ mãng của nhà thiết kế đất nước tỷ dân khi "nhận vơ" trang phục dân tộc của Việt Nam.
NTK Trung Quốc đã sai hoàn toàn khi "ăn cắp" sáng tạo
NTK áo dài Võ Việt Chung chia sẻ, đây không phải lần đầu anh chứng kiến các mẫu áo dài của Việt Nam xuất hiện trong các bộ sưu tập của các NTK Trung Quốc. Từ cách đây 10 năm khi tham dự Tuần lễ thời trang ở Thượng Hải, anh cũng đã chứng kiến điều này.
Bàn về vấn đề này, NTK Đức Hùng khẳng định: "Tôi hoàn toàn bất ngờ và khó chịu với việc một NTK của đất nước tỷ dân lại lấy trang phục truyền thống của Việt Nam và nói rằng đó là sự sáng tạo của họ. Tại sao lại dám làm điều đó? Chắc không có nước nào dám làm điều vô lý như thế. Tôi nghĩ đây là trường hợp đặc biệt duy nhất nếu không muốn nói đến liêm sỉ. Nhưng qua đó điều đầu tiên chúng ta thấy đó là tà áo dài Việt Nam quá đẹp. Vì đẹp cả về sản phẩm, tinh thần đẹp, biểu tượng đẹp nên nhiều người "nhòm ngó", thích thú và muốn sở hữu, thậm chí là "ăn cắp".
NTK áo dài Đức Hùng phân tích: "Nói đơn giản, cái kẹo, cái bánh bạn lấy của người khác đã là khó chấp nhận nữa là sản phẩm sáng tạo cần chất xám và lại có ý nghĩa biểu tượng. Là bất cứ ai có tư duy thiết kế chuyên nghiệp thì sẽ không bao giờ lấy sáng tạo của người khác trở thành sáng tạo của mình. Ở trường hợp này thì các NTK Trung Quốc lại làm việc đấy. Họ dám làm điều xưa nay không ai làm là họ đã sai. Sai hoàn toàn. Đây là điều tối kỵ của một người làm sáng tạo nghệ thuật.
Hơn nữa đây là một sản phẩm sáng tạo có tính lịch sử và đã được ghi nhận của một quốc gia. Trang phục đó đã trở thành biểu tượng, Quốc phục của 90 triệu dân mà NTK Trung Quốc lại công khai nhận xằng, nhận bậy. Họ ngộ nhận và hoàn toàn không có sự hiểu biết để phân biệt thế nào là sản phẩm sáng tạo và sản phẩm ăn cắp. Về cơ bản là không chấp nhận được".
Theo NTK Đức Hùng, từ bao nhiêu năm nay trong các cuộc thi hoa hậu tại đấu trường nhan sắc quốc tế, đại diện Việt Nam đã đem tà áo dài truyền thống giới thiệu với bạn bè thế giới là một minh chứng cho nét đẹp văn hoá của trang phục Việt Nam. Điều đó là mặc định, là đương nhiên.
"Còn nhớ cách đây không lâu, nữ ca sĩ Kacey Musgraves vô tình mặc áo dài Việt không đúng cách đã khiến dư luận phẫn nộ như thế nào. Nhưng lần này là NTK Trung Quốc cố tình "ăn cắp", thậm chí có thể dùng 2 từ liêm sỉ, tự trọng nghề nghiệp để đánh giá. Cướp giữa thanh thiên bạch nhật, hoàn toàn không được phép. Vì thế tôi mong muốn chúng ta có tiếng nói cũng như hành động rõ ràng, đanh thép ngăn chặn kịp thời để bảo vệ văn hóa dân tộc", NTK Đức Hùng nói.
Đặt vấn đề rằng NTK Trung Quốc từng giải thích rằng để làm ra bộ sưu tập đó, đội ngũ thiết kế đã mất nhiều thời gian thu thập tư liệu trang phục truyền thống tại nhiều quốc gia Đông Nam Á và tích hợp vào mẫu trang phục Trung Quốc, NTK áo dài Đức Hùng cho rằng, đó là điều không có cơ sở.
"Dù có nói thế nào thì đó cũng chỉ là sự biện bạch cho cách làm sai trái. Không ai quan tâm đến quá trình bạn thực hiện ra sao nhưng sản phẩm cuối cùng ai cũng nhìn thấy là nó giống hệt trang phục của Việt Nam. Đó là điều không thể chối cãi được và hoàn toàn không được chấp nhận với bất kỳ lý do nào", NTK Đức Hùng nhấn mạnh.
Cũng bàn về trường hợp này, NTK Võ Việt Chung cho rằng, không thể cho rằng đây là mượn ý tưởng hay cách tân sản phẩm vì trong thời trang, chất liệu của NTK này đã làm thì NTK khác cũng không thể sử dụng. Đặc biệt ở đây lại là trang phục truyền thống của dân tộc.
"Tôi cho rằng đây hoàn toàn là sự copy, ăn cắp ý tưởng, hoàn toàn không thể lý giải bằng sự mượn ý tưởng. Nếu các mẫu thiết kế này biểu diễn trong một chương trình hợp tác về văn hóa thì chấp nhận được nhưng lại đưa vào bộ sưu tập, trình diễn trong khuôn khổ tuần lễ thời trang thì là copy phản cảm", NTK Võ Việt Chung bày tỏ.
Theo Ngọc Mai (Giadinh.net.vn)