Sáng nay (14/1), hàng chục người dân vẫn có mặt tại tỉnh lộ 35, phía trước cổng vào bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Mục đích là chặn đường, không cho xe chở rác từ trung tâm TP Hà Nội vào bãi rác này.
Đây đã là ngày thứ 4 liên tiếp, họ cắm chốt, dựng trại tại đây để đợi lãnh đạo thành phố xuống có câu trả lời thích đáng về việc giải phóng, đền bù, di dời người dân trong vùng ảnh hưởng ra ngoài.
Bà Hòa (xã Nam Sơn) chia sẻ: “Chúng tôi bức xúc lắm mới phải ra đây làm việc này chứ các chú bảo sung sướng gì. Đêm hôm, rét mướt người ta ngủ ở nhà thì chúng tôi phải ra đây chịu rét, ăn mì tôm, bánh mì thay cơm”.
Theo bà Hòa, việc làm của người dân xuất phát từ việc chính quyền thành phố chậm giải phóng mặt bằng, di dời người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng. Bãi rác thải ngày càng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, ngấm vào nguồn nước… khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng trầm trọng.
Hơn nữa, năm 2016, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về đối thoại với người dân và hứa đến cuối năm 2018 sẽ di dời toàn bộ những hộ dân trong vùng ảnh hưởng 0-500m ra nơi khác. Tuy nhiên đến nay, chưa có hộ dân nào được đến nơi ở mới khiến người dân bức xúc.
“Chính quyền huyện Sóc Sơn đã tổ chức đối thoại với người dân, thế nhưng, Chủ tịch Chung hứa còn chưa chắc thì làm sao chúng tôi tin được huyện. Chúng tôi sẽ tiếp tục chặn xe rác đến khi nào một vị lãnh đạo thành phố xuống cam kết với chúng tôi về thời gian chúng tôi được đền bù, di dời.
Nếu lãnh đạo thành phố không xuống giải quyết, chúng tôi sẵn sàng ăn Tết luôn ở ngoài đồng này. Chúng tôi đã chịu cảnh này gần 20 năm nay kể từ ngày bãi rác Nam Sơn thành lập và đi vào hoạt động”, bà Hòa chia sẻ.
Ông Trần Đình Hưng (55 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn) cũng cho hay, gia đình nhà ông nằm ngày sát với bãi rác, chỉ cách nhau một bức tường rào. Từ ngày bãi rác Nam Sơn thành lập (năm 1999), gia đình ông phải sống chung với mùi hôi thối và ô nhiễm.
“Gió thổi đằng nào, mùi bay vào đường đó. Người ta cứ thắc mắc sao tôi xây nhà mà không có cửa sổ. Tôi bảo, cửa sổ để làm gì, vì đến như bây giờ, nhà có cái lỗ nào cũng phải bịt hết lại vì mùi hôi thối sộc vào không chịu được. Trời mưa, ẩm ướt vài hôm là ruồi nhiều kinh khủng”, ông Hưng nói.
Chỉ tay về cánh đồng trước cửa nhà, ông Hưng tiếp lời: “Đồng ruộng cũng bỏ hoang vì lúa cấy xuống là chết, hễ mưa là ngập nước thải đen sì. Ao cá nhà ông cũng không thả được lứa nào từ ngày có bãi rác”.
Nhà cách đường xử lý nước thải của bãi rác Nam Sơn chỉ vỏn vẹn 6m, từ ngày bãi rác thành lập cũng là từng ấy ngày gia đình anh Nguyễn Quang Huynh (40 tuổi, xã Nam Sơn) phải sống chung với cảnh ô nhiễm, hôi thối.
Anh Huynh cho hay, trước đây, rất nhiều ruồi, muỗi, sau đó, cơ quan chức năng có xử lý hóa chất, thì thấy ruồi muỗi hết. Tưởng thoát được vấn nạn ruồi, muỗi thì người dân lại trực tiếp hít phải hóa chất đấy.
Hầu hết ai trong làng cũng mắc bệnh viêm xoang, viêm mũi, còn ho hen, đau đầu thì gần như cơm bữa. Nhà ban đêm cho đến ban ngày đều phải đóng cửa.
Những ngày vừa qua, anh Huynh có đọc được thông tin trên báo đài về việc rác thải tràn ngập khắp các con phố của Hà Nội khiến người dân nội thành hãi hùng. Theo anh, đó chỉ là một phần nhỏ so với những gì mà người dân tại 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ phải chịu đựng bấy lâu nay.
“Nội thành mới chỉ có 3 ngày mà đã không chịu nổi mùi rác, vậy mà người dân chúng tôi đã phải chịu đựng cái mùi đó đã hơn 20 năm nay, rồi đủ các thứ bệnh từ bãi rác Nam Sơn này mà ra”, anh Huynh bức xúc nói.
Không chỉ bà Hòa, ông Hưng, ông Huynh… mà hầu hết người dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn đều đang mong muốn một vị lãnh đạo TP Hà Nội về trực tiếp đối thoại với dân và trao đổi về việc đền bù, di dời người dân đến nơi an toàn.
Sáng 14/1, tại hội nghị giao ban trực tuyến của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho hay, chính quyền đã đối thoại với người dân ba lần. Về cơ bản, các bên đã tìm được tiếng nói chung nhưng bãi rác vẫn bị phong tỏa, do vậy chính quyền huyện Sóc Sơn cần tiếp tục vận động người dân để sớm tháo gỡ việc chặn xe vào bãi rác.
Theo Triệu Quang - Nguyễn Dũng (Dân Việt)