Ngày 13.1, ghi nhận của PV Lao Động, rác thải sinh hoạt ở nhiều tuyến đường nội thành Hà Nội đã bị ùn ứ, tràn ra lòng đường, bốc mùi khó chịu. Các tuyến phố tập kết rác chất đống như Xuân Thủy (Cầu Giấy), Chính Kinh, Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)…
Nguyên nhân được xác định do người dân trên địa bàn các xã quanh khu vực xử lý rác thải Nam Sơn chặn xe rác không cho xe vào. Cho đến chiều nay, người dân vẫn chưa cho các xe rác vận chuyển vào đây.
Liên quan tới việc này, ngày 13.1, lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo huyện và chính quyền địa phương đã trao đổi với người dân, thuyết phục người dân cho xe chở rác vào Khu xử lý rác thải Nam Sơn.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (Sóc Sơn) xác nhận sự việc và cho biết: “Tối nay người dân sẽ không chặn xe chở rác nữa”.
Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết việc người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn trong 3 ngày qua khiến đơn vị rất vất vả vì bãi Nam Sơn là nơi xử lý rác chính của 4 quận nội thành với công xuất trên 4.000 tấn mỗi ngày.
"Mấy ngày nay rác từ nội thành phải chuyển tạm đến các bãi tập kết tại Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Lâm Du (Long Biên); tuy nhiên, sức chứa của những bãi này cũng có hạn, chỉ cầm cự được dưới 10 ngày", đại diện URENCO cho biết.
Tổng diện tích Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (hay còn gọi là bãi rác Nam Sơn) là 83,4 ha, nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đây được xem là bãi tập kết rác lớn nhất Hà Nội, với khoảng 4.000 tấn rác mỗi ngày.
Trước đó, hồi tháng 10.2017, người dân cạnh Khu xử lý rác thải Nam Sơn cũng chặn xe chở rác nhiều ngày liên tiếp khiến hàng trăm tấn rác tồn đọng khắp thị xã Sơn Tây và các quận, huyện nội thành.
Mới đây, Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối với cá nhân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường từ 0m đến 150m được hỗ trợ 133.000 đồng/người/30 ngày, từ 150 – 300 mét được hỗ trợ 106.000 đồng/người/30 ngày; từ 300m đến 600m được hỗ trợ 84.000 đồng/người/30 ngày; từ 500 – 600 mét được hỗ trợ 80.000 đồng/người/30 ngày; từ 600 – 800 mét được hỗ trợ 54.000 đồng/người/30 ngày; từ 800m – 1000m được hỗ trợ 27 nghìn đồng/người/30 ngày.
Đối với trường hợp có đất canh tác trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường, nghị quyết HĐND quyết định diện tích đất từ 0 – 500 mét được hỗ trợ 170đồng/mét vuông/ năm; đối với khoảng cách từ 500 m- 1000m, hỗ trợ 102 đồng/mét vuông/năm.
Theo Vương Trần (Lao Động)