Nhiều ngày qua, Hà Nội trung bình mỗi ngày ghi nhận 1000 ca mắc COVID-19. Nhiều quận huyện được đang căng mình truy vết, ghi nhận ca mắc, dẫn đến tình trạng nhiều F0 test nhanh dương tính nhưng không được quận, huyện hỗ trợ ngay. Đơn cử là trường hợp gia đình 4 F0 tại Linh Đàm (Hoàng Mai) mắc COVID-19 nhưng 1 tuần qua không được hỗ trợ.
Sáng 16/12, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), lý giải hiện nay, lực lượng y tế tập trung xử lý mẫu xét nghiệm nhiều hơn trước đây. Số mẫu dương tính nhiều hơn trước nên phải làm cẩn thận, chắc chắn.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội phân tích do có nhiều mẫu dương tính, nhân viên y tế phải làm xét nghiệm 2 đến 3 lần mới có kết quả chắc chắn, do đó mới chậm hơn thông thường.
Trường hợp ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, không chỉ có CDC thực hiện, còn đơn vị khác xét nghiệm nữa. Nếu CDC làm, thời gian sẽ đảm bảo, nhưng một số đơn vị khác làm thường sẽ chậm hơn.
"Việc chậm trả kết quả xét nghiệm COVID-19 là do số lượng mẫu tăng lên, số lượng mẫu dương tính nhiều nên sẽ chậm hơn thời gian trước.
Trước đây khi chưa ở trạng thái bình thường mới, CDC làm 1.000 mẫu xét nghiệm tất cả đều âm tính thì rất nhanh. Bây giờ làm 1.000 mẫu mà 100 mẫu dương thì lực lượng chuyên môn sẽ phải làm lần 2, lần 3, khẳng định xong phải khử khuẩn rồi mới làm tiếp được chứ không chạy liên tục.
Mẫu xét nghiệm dương tính nhiều sẽ mất thời gian hơn rất nhiều lần. Chỉ tính riêng CDC Hà Nội ngày làm vài nghìn mẫu xét nghiệm", ông Tuấn cho hay.
"Ngoài CDC Hà Nội, một số quận huyện và bệnh viện thực hiện việc lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm. Mỗi ngày, Hà Nội xử lý trên 10.000 mẫu xét nghiệm, trong đó có cả mẫu cách ly, mẫu xét nghiệm lần 2,3 tương đối lớn", ông Tuấn thông tin thêm.
Về thông tin cho rằng, việc chậm trả kết quả xét nghiệm có phải do bị quá tải hay không, ông Tuấn cho hay, thành phố chưa đến mức độ này nhưng do số lượng mẫu tăng lên, số lượng mẫu dương tính nhiều nên sẽ chậm hơn thời gian trước.
Liên quan vụ việc gia đình 4F0 tại chung cư HH Linh Đàm, (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chờ 5 ngày nhưng chưa được đưa đi cách ly, một chuyên gia y tế khuyến cáo trong trường hợp này, người dân cần bình tĩnh, tự cách ly tại nhà trong bối cảnh F0 tăng lên rất nhanh.
Hiện, Hà Nội thực hiện "thích ứng an toàn với dịch" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ nên việc gia tăng F0 là "điều không thể tránh khỏi". Thành phố cũng chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu nguy cơ tử vong.
"Theo thống kê, 80 - 85% bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng. Trong thời gian đợi kết quả xét nghiệm PCR, họ cần bình tĩnh và tự cách ly. Điều quan trọng nhân viên y tế cơ sở biết cách điều phối. Nếu F0 chuyển nặng, cần chuyển ngay tuyến trên, giảm thiểu nguy cơ tử vong", vị này nói và cho biết, ở nhà tự điều trị có thể còn tốt và thoải mái hơn vào khu thu dung, điều trị.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)