Liên quan đến vụ lật ca nô ở biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) làm 17 người chết, ngày 1/3, thông tin trên báo Doanh Nghiệp & Tiếp Thị, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thời điểm xảy ra sự việc Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện còn hiệu lực.
Sau khi nhận thông tin về vụ tai nạn, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo tỉnh đạo Chi cục Đăng kiểm số 4 (Đà Nẵng) báo cáo về công tác đăng kiểm phương tiện này.
Theo đó, tàu gặp nạn được đóng vào năm 2016 bằng vật liệu composit mui hở, công suất chứa 35 hành khách, hoạt động vùng IV (sông, hồ, đầm, vịnh kín). Năm 2019, theo yêu cầu của chủ phương tiện, phương tiện được hoán cải thành tàu khách SB cao tốc (hoạt động ở vùng ven biển, cách bờ biển không quá 12 hải lý) với khoang chứa hành khách kín, sức chở 35 hành khách và 3 thuyền viên.
“Theo báo cáo của Chi cục Đăng kiểm số 4, tại lần kiểm định gần nhất của phương tiện gặp nạn ngày 19/1 vừa qua, tình trạng kỹ thuật phương tiện thỏa mãn các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”, ông Hải nói.
Chia sẻ về lý do chiếc ca nô gặp nạn được hoán cải từ mui trần thành mui kín, ông Hải thông tin tuyến đường thủy Hội An - Cù Lao Chàm có chiều dài 17 km từ bờ ra đảo.
Để đảm bảo an toàn cho hành khách trên tàu, phương tiện vận tải phải đáp ứng điều kiện an toàn kỹ thuật hoạt động ở vùng SB, nếu là tàu cao tốc phải có khoang chứa khách kín, có thiết bị nhận dạng tự động AIS cho phép các tàu trao đổi thông tin về vị trí, hướng, tốc độ.
Theo ông Hải tất cả các tàu muốn hoán cải từ mui trần thành mui kín hoạt động cao tốc trên biển đều phải có thiết kế được thẩm định, được giám sát kỹ thuật trong quá trình hoán cải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng dựa trên Bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), quy định của các quốc gia tiên tiến và quy phạm của các tổ chức đăng kiểm hàng đầu thế giới.
Nhiều người cho rằng việc thiết kế mui kín theo tiêu chuẩn SB khiến số người chết khi ca nô lật cao hơn, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết tàu khách cao tốc phải thiết kế kín theo Quy chuẩn tàu cao tốc được xây dựng căn cứ Bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc của IMO để tránh tác động của sóng, gió, mưa, nước tạt khi di chuyển tốc độ cao, ngăn nước vào tàu khoang gây ngập, có thể làm cho tàu mất ổn định dẫn đến lật tàu, ảnh hưởng đến tính mạng hành khách và nhân viên trên tàu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, có nhiều ý kiến ban đầu về việc tàu lật do va phải nền cát. Thế nhưng, ngay sau khi tàu Phương Đông 05 bị lật chiều 26/2, đơn vị quản lý luồng đã đo đạc. Mực nước tại vị trí khả năng tàu lật là 3,5 m. Mớn nước (đáy) của tàu 0,75 m. “Ở độ sâu này, khả năng tàu va đập vào nền cát là không có. Đáy tàu còn cách nền hơn 2 m”, ông Đạo nói.
Ngoài ra, theo báo cáo ban đầu, vị trí tàu gặp tai nạn nằm trong phạm vi luồng tàu, cho thấy khả năng con tàu không đi sai luồng. Luồng này rộng 60 m, độ sâu 3,5m, có hệ thống phao báo hiệu đầy đủ. Sau tai nạn, con tàu trôi dạt tới bãi cạn cách đó khoảng 500 m.
Theo ông Đạo, hiện, hệ thống phao báo hiệu, biển báo trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm được Bộ GTVT ủy quyền cho tỉnh Quảng Nam quản lý, bảo trì. Việc quản lý tàu xuất bến cũng do các đơn vị thuộc tỉnh Quảng Nam thực hiện. Công tác nạo vét luồng do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đảm nhận.
Ông Đạo cho biết thêm, năm 2021, đơn vị đã nạo vét với chiều dài 2 km, khối lượng gần 120.000m3 bùn cát, đảm bảo giao thông luồng Cửa Đại đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp II. Trước đó, năm 2017, luồng Hội An - Cù Lao Chàm đã được nạo vét. Theo ông Đạo, hàng năm cơ quan này tổ chức khảo sát định kỳ các luồng, từ đó quyết định nạo vét để đảm bảo giao thông an toàn trên tuyến.
NT (Nguoiduatin.vn)