Hôm qua, theo bản năng tình cảm, tôi đã like nhiều bài share của bạn bè về câu chuyện cậu bé 15 tuổi chơi đàn trên phố đi bộ, bị cảnh sát nạt nộ đến phát khóc. Nghĩ lại, thấy thật ra mình sai.
Thái độ ấy, đáng tiếc đã làm hành động thực thi pháp luật trở nên thô bạo, không tôn trọng con người.
Nhưng về lý, cha mẹ cậu bé đã sai, kể cả cậu, dù với thiện ý tốt đẹp tới cỡ nào, cũng sai.
Hình ảnh cậu bé chơi đàn được mẹ cậu chia sẻ trên mạng xã hội |
Tôi có thời gian sống và học tập ở nước ngoài, ở nhiều nơi, bất luận ai, nghệ sĩ hay người chơi đàn nghiệp dư, hễ mang nhạc cụ ra phố để chơi, chơi suông, chả để nhận đồng nào, đều phải có giấy phép.
Thậm chí, ở Pháp để được chơi đàn trong metro, phải có tới 3 cơ quan cấp phép mới được chơi.
Chúng ta phải thành thực mà nói rằng, việc thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng luật pháp, lách luật đã trở thành thói quen của chúng ta từ lâu mất rồi. 100 người vi phạm giao thông, hỏi có bao người không xin xỏ, không chấp nhận tự nguyện trả tiền cho công an để "đi ngay không nhỡ việc". Mà thường xin xong, đi rồi lại rất ấm ức.
Trung thực đi, luật pháp chúng ta nhiều lỗ hổng và chúng ta cũng đều quen sống trong bầu không khí ấy rồi nên mới cứ vừa sai lại vừa trách cứ, hờn giận.
Quay trở về chuyện cậu bé, tôi nghĩ chúng ta phải công bằng. Tôi nghĩ lẽ ra cha mẹ cậu thay vì tức giận và ủng hộ thái độ "con sẽ đi ra khỏi nơi này" thì nên xin lỗi con mới phải.
Nếu cha mẹ cậu hiểu thiện ý của con và hiểu các quy định thì đâu xảy ra câu chuyện này?
Nếu cha mẹ cậu tìm hiểu trước, xin phép trước thì đâu ra nông nỗi ấy.
Nguyện vọng của cậu bé là được chơi đàn, nguyện vọng của những người làm công việc quản lý phố đi bộ là được thực hiện đúng phận sự.
Sao lại đặt nguyện vọng này cao hơn nguyện vọng khác?
Sao lại nghĩ nghệ thuật là cao quí mà không nghĩ việc giữ trật tự trị an cũng là cao quí?
Nếu những người quát nạt cậu bé sai về thái độ, thì chính em, rất tiếc, lại sai luật mất rồi.
Sai thật.
Tôi nghĩ, dạy một đứa trẻ để biết phân định đúng sai và hiểu lẽ công bằng là rất quan trọng.
Giúp con cởi bỏ những uất ức bằng cách giải quyết đúng sẽ hay hơn để con giữ lại sự ấm ức trong lòng, để cảm giác bị tổn thương làm lu mờ nhận thức lý trí.
Chơi đàn trên đường phố Oslo, Na Uy. Ảnh: Hiền Anh |
Gia đình tôi cả nhà theo nghệ thuật, mẹ chơi đàn, con học đàn, bác dạy đàn, chị họ cũng chơi đàn... Học thời Pháp, học Việt Nam, học Liên Xô, đủ cả. Việc hiểu nỗi nhọc nhằn để chơi được một tác phẩm cổ điển không có gì vượt ngoài tầm nhận thức. Tuy thế, chưa bao giờ cha mẹ tôi hay các thày cô ở Nhạc viện dạy chúng tôi rằng đây là một việc cao quí hơn những công việc khác. Rằng nếu ai đó không thấu hiểu thì bởi họ ngu dốt.
Ta chọn nghệ thuật vì yêu nghệ thuật, việc thực hành nghệ thuật trước tiên phải hiểu là nhu cầu tự thân, là khao khát của cá nhân. Việc đón nhận nó ra sao là của xã hội. Nếu xã hội đón nhận là điều tốt, nếu không, hãy cố chứng minh rằng họ đã nhầm. Chả có cách nào tốt hơn cả.
Nếu tôi là mẹ cậu bé 15 tuổi kia, tôi sẽ xin lỗi con mình. Vì sự thiếu am hiểu quy định của tôi mà những người thực thi luật pháp có cơ hội thô bạo, làm con bị tổn thương, và dứt khoát sẽ có bằng được cái giấy phép quái ác kia (nếu con tôi nghĩ là quái ác) để con có thể quay lại đúng chỗ cũ, thoả mãn mong ước của mình.
Chúng ta có khát khao được sống trong một xã hội luật pháp nghiêm minh, nhưng thật ra lại rất hay để cảm tính dẫn dắt.
Theo Nguyễn Mỹ Linh (VietNamNet)