Sau sự cố, sợ không được ra ngoài nữa
18h chiều, khi bóng tối bắt đầu bao phủ khoảng trời Thụy An (huyện Ba Vì) thì cũng là thời điểm chuẩn bị cho bữa tối. Mọi hoạt động tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội trở nên hối hả hơn bao giờ hết. Chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với một số người đang chơi ở phía trong khoảng sân nhà nuôi dưỡng.
Cô bé T có dáng người gầy còm, mái tóc tém sát tai, khoác trên mình bộ trang phục quần soóc, áo sơ mi cũ kỹ là số ít trường hợp nơi đây biết giao tiếp. Thấy người lạ, T tiến đến cánh cửa sắt đang bị khóa để bắt chuyện. Khi được hỏi về chuyện vừa xảy ra, T ngập ngừng: "Bọn em biết chứ nhưng nếu lên tiếng thì ai sẽ chăm sóc chúng em? Xảy ra chuyện rồi, chắc bọn em không được đi ra chợ để mua đồ nữa. Mấy hôm nay bảo vệ còn quây lưới sắt ở trên các bức tường, chắc là sợ bọn em trèo ra ngoài".
T cho biết, hàng tuần, tất cả những người biết giao tiếp đều được đưa ra chợ để mua sắm đồ, hàng hóa. Ở trung tâm, mọi người được chăm sóc, ăn uống 3 bữa; bữa sáng ăn xôi, mỳ tôm, bún, phở hoặc cháo. Còn bữa trưa và tối thì được dùng cơm với thịt.
Trong khi chúng tôi đang trò chuyện với T, một tốp người có độ tuổi từ 20 đến hơn 30 tuổi chạy ùa từ trong nhà ra chăm chú nhìn người lạ nói chuyện. Trong khoảnh khắc đó, một người đàn ông vừa phát ra âm thanh ú ớ, vừa chỉ tay ra phía cổng chính, ám chỉ mời tôi vào nhưng rồi, người đàn ông này cũng nhanh chóng cười khanh khách với chú mèo. Nhìn người đàn ông, T nói: "Đó là Ủa. Ủa chẳng biết mình bao nhiêu tuổi. Ủa vào đây lâu lắm rồi. Ủa không nói được, muốn nói gì thì chỉ biết kêu ú ớ và dùng tay ám hiệu. Ủa chỉ tay ra phía cổng là đang mời chị vào đây chơi cùng đó".
Trực tiếp chứng kiến những phận đời thiếu may mắn đang được chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ ở đây, ít ai có thể cầm được nước mắt. Còn với người dân địa phương, cảm xúc chung của họ khi nhắc đến những phận đời đang được nuôi dưỡng ở trung tâm là sự thương xót. Họ thương xót cho những mảnh đời thấy mà không biết chuyện gì diễn ra xung quanh. Những mảnh đời ấy vẫn nô đùa, cười tươi khi những vật phẩm, những đồng tiền của mình đang "rơi" từ tay người này đến tay người khác, diễn ra ngay chính trước mắt.
Bà Nguyễn Thị Lan (người dân địa phương) lắc đầu chua xót: "Người khuyết tật ở đây có hiểu thế nào là ăn chặn đâu. Bao năm nay, chính mắt họ nhìn thấy đồ của mình được tuồn ra ngoài, tiền của mình vào tay người khác mà họ có hiểu gì đâu. Họ thấy nhưng không biết được là cán bộ đang ăn chặn đồ của mình, mà vẫn vô tư nô đùa. Đau xót lắm!".
Cũng theo bà Lan: "Trung tâm đang nuôi dưỡng khoảng 100 trẻ em không có khả năng nhận thức. Chỉ số ít trường hợp ở đây biết giao tiếp nhưng dù thấy họ cũng không dám nói ra. Nói ra rồi, liệu họ có được sống yên hay không? Liệu rằng họ vẫn được chăm sóc (?)".
"Chuyện ăn chặn xảy ra lâu lắm rồi"
Từ khi hình ảnh những cán bộ trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ăn chặn hàng từ thiện bị phát giác, cả khu trung tâm thôn Liên Minh (xã Thụy An) râm ran, bàn tán. Từ quán ăn cho đến quán nước, quán gội đầu, chỉ cần nhắc đến vụ việc xảy ra ở trung tâm, những người dân ở đây lại tranh nhau kể những điều biết của mình.
Là một người dân thôn Liên Minh, anh T, chủ cửa hàng ăn T.D cho biết: "Chuyện này xưa như trái đất rồi, tồn tại cũng gần 20 năm nay(?). Ngày xưa Hà Tây chưa sát nhập Hà Nội thì trung tâm này chỉ nhận nuôi dưỡng những người già có hộ khẩu ở nội đô nhưng sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì trung tâm nhận chăm sóc cả những trẻ em tàn tật, khuyết tật và những đối tượng không nơi nương tựa. Vì vậy, những đối tượng ở trung tâm đó không chỉ có những người không thể nhận thức mà có cả những người bình thường".
"Không chỉ riêng tôi mà tất cả người dân ở thôn này, xã này đều biết chuyện (ăn chặn) lâu lắm rồi nhưng nói ra thì chúng tôi có yên không và chúng tôi sẽ được gì (?). Sự việc xảy ra chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi", anh T cho hay.
Trong cửa hàng gội đầu của bà N, những ngày này khách hàng đến đây cũng bàn tán quanh câu chuyện nói trên ở trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật. Bà N chua xót: "Chuyện này diễn ra lâu rồi. Vào thời điểm cuối ngày, hàng hóa từ trung tâm được tuồn ra và đưa đến các cửa hàng tạp hóa trong khu chợ thôn Liên Minh. Đến một đứa trẻ 10 tuổi cũng nhận biết được đâu là hàng từ thiện được bán lại. Giá họ bán ra cũng rẻ lắm. Một chiếc khăn tắm có giá bán hàng mấy trăm nghìn thì ở đây chỉ từ 40.000 – 50.000 đồng/cái. Gói bánh, gói kẹo có giá vài chục nghìn thì kẹo của trung tâm chỉ 2.000 - 5.000 đồng/gói. Dân ở đây mua về đãi thợ xây hàng bao tải, mỗi tải chỉ 100.000 đồng".
Từng là cán bộ chăm sóc tại trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật nên khi được hỏi đến sự việc gây "rúng động" vùng quê thôn Liên Minh, bà N.T.T (57 tuổi) như thể được dịp nói ra những điều đang lắng đọng trong lòng. Bà T bức xúc: "Hàng hóa (từ trung tâm) tuồn ra ngoài còn thấy được thì lấy cơ sở nào khẳng định tiền mặt có được từ các đoàn thiện nguyện được sử dụng đúng mục đích (?)".
Bà T thẳng thắn: "Rất nhiều đoàn từ thiện đến đây, họ mang cả tiền, cả vật phẩm. Có những ngày, có cả chục đoàn đến trao quà từ thiện nhưng chính việc làm từ thiện ồ ạt, không tìm hiểu trước lại vô hình chung tiếp tay cho lòng tham của mỗi con người".
Ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội cho biết: “Ba lãnh đạo của trung tâm luân phiên nhau trực. Ngày xảy ra sự việc là đúng ca trực của tôi (ngày 7 - 8/9) nhưng tôi không nắm được thông tin. Tôi làm sao mà duy trì hết các công tác, mà lực lượng bảo vệ phải duy trì công tác bảo vệ tại trung tâm. Sự việc đáng tiếc xảy ra tại cổng cuối cùng ở khu nhà chăm sóc trẻ, vào ngày 7 - 8/9. Hai cán bộ mà chúng tôi xử lý là bà Nguyễn Thị Liên và Đào Thị Phương, hiện đang là nhân viên chăm sóc trẻ. Người thứ ba bị khiển trách là ông Trịnh Xuân Hịu, nhân viên bảo vệ đã không thực hiện đúng trách nhiệm, gây ra sự việc vừa qua”.
Chia sẻ với PV, anh N.N, trưởng một đoàn từ thiện cho biết: “Tôi nghe chuyện tuồn hàng ra từ lâu rồi nên tôi quyết định không tổ chức trao quà từ thiện ở Trung tâm này. Hàng thiện nguyện đến đây rất nhiều vì Trung tâm này có đặc điểm là rất nhiều trẻ em liệt, khuyết tật nằm một chỗ, nên cũng dễ tạo ra lòng trắc ẩn với những người khác. Việc thiện, ai làm sai người đó phải chịu nhưng mầm mống thì xuất phát từ lòng tham của con người. Nhưng nghe chuyện bị phát giác, tôi chỉ thấy buồn. Buồn vì tấm lòng của những tổ chức cá nhân hỗ trợ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ, hỗ trợ việc chăm sóc nuôi dưỡng mà lại không đến được tận tay”.