Công tác thiện nguyện sẽ gặp phải khó khăn
Mới đây, vụ việc cán bộ trung tâm nhân đạo "tuồn" quà từ thiện ra ngoài tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội khiến dư luận xôn xao.
Từ câu chuyện này và trước đó cũng xuất hiện những vụ việc “tố” ăn chặn tiền từ thiện trên mạng xã hội, không ít người cho rằng, thiện nguyện hiện nay chỉ mang “mác” phong trào. Người ủng hộ cũng không biết rõ số tiền, số quà mình gửi có đến được tay với những người cần. Còn những người làm công tác thiện nguyện bao lâu nay thì lại cảm thấy thất vọng với những thông tin không tốt về công tác thiện nguyện.
Trước vấn đề này, trao đổi với PV, Thiếu tá bộ Tham mưu Cảnh sát biển Lưu Thị Minh Châu, đồng Chủ nhiệm câu lạc bộ từ thiện Thiên Thần (Hà Nội) bày tỏ: “Lừa đảo trên những nỗi đau, bệnh tật hiểm nghèo của người bệnh là điều nhẫn tâm. Chính những việc làm đó đã ảnh hưởng đến những người làm thiện nguyện chân chính, những hoàn cảnh khó khăn thực sự cần được giúp đỡ.
Những tấm lòng thiện nguyện sẽ thấy họ bị lừa đảo, khi quà tặng không được trao đến nơi cần thiết, tiếp tay cho kẻ lừa đảo, lười biếng. Dần dần, họ sẽ mất niềm tin, luôn cảnh giác”.
Từ những điều nói trên, bà Minh Châu cũng chia sẻ: “Những hành động không hay đó khiến cho người làm từ thiện, đội nhóm từ thiện gặp khó khăn; những trường hợp thực sự khó khăn cần kêu gọi sẽ gặp khó khăn hơn. Thậm chí, họ ác cảm và nhìn nhận mọi việc theo hướng tiêu cực và thiệt thòi là người bệnh”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Trung, Hội trưởng hội từ thiện Hạnh phúc là sẻ chia cho rằng, bản chất của những người đi làm thiện nguyện đều là những người có tấm lòng nhân ái.
“Quá trình hoạt động thiện nguyện có thể chưa biết hoặc sai ở vấn đề nào đó, dẫn đến việc để cho kẻ xấu lợi dụng. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều hội đứng ra kêu gọi, ủng hộ cho các hoàn cảnh, nhưng cũng có những trường hợp số tiền ủng hộ mang danh công khai nhưng trên thực tế lại không hề công khai. Có những trường hợp cũng tuồn hàng ra ngoài rồi khi bị phát hiện thì nói hàng hết hạn, hoặc không dùng đến rồi mang đi bán trang trải cuộc sống…
Tôi đặt ngược lại một câu hỏi, nếu như anh vào trung tâm làm mà không đảm bảo được thu nhập, đảm bảo được cuộc sống thì tại sao không nghỉ, để những người khác sẵn sàng làm. Tại sao lại mang quà ra ngoài, mang về hoặc mang bán… tôi cho rằng đó là lời nguỵ biện, không thoả đáng. Bởi, nếu cảm thấy công việc đang làm không đảm bảo được cuộc sống thì có thể nghỉ”.
Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, không được phép lấy quà âm thầm của các nhà hảo tâm về, hoặc bán: “Nếu muốn mang về hay bán thì phải báo cáo lãnh đạo, nhà hảo tâm…”.
Bản thân từng chứng kiến hàng thiện nguyện bị “tuồn” ra ngoài bán, nên ông cảm thấy rất không hài lòng.
“Hôm nay có thể bán 1, 2 thùng mỳ tôm cho đại lý, 1, 2 vỉ sữa, ngày kia bánh mứt… như thế có coi được không? Ở đây cũng có một phần lỗi của chính những người đi làm từ thiện không tìm hiểu kỹ các bé, các hoàn cảnh khó khăn họ cần gì, nhu cầu đến đâu… Bản chất của những người hảo tâm là tốt nhưng chưa thật sát sao”, ông Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.
Thiện nguyện là việc tử tế làm bằng cả tấm lòng
Với ông Nguyễn Thành Trung, khi chứng kiến những mặt trái trong công tác hoạt động thiện nguyện, ông cảm thấy lòng tốt bị lợi dụng.
“Để làm công tác thiện nguyện cần phải có tâm và có trách nhiệm. Khi quyết định nhận làm công việc này thì phải xác định đó là việc đạo đức, việc tử tế bằng cả tấm lòng. Còn nếu, cảm giác công việc thiện nguyện không thoả mãn được cuộc sống của mình thì nên đề xuất để người khác làm, không nên giấu giếm tuồn hàng ra ngoài vì như thế là ăn cắp”, ông Nguyễn Thành Trung nêu quan điểm.
Cùng chung suy nghĩ với ông Nguyễn Thành Trung, bà Minh Châu chia sẻ: “Mỗi chúng ta, ai cũng có lòng trắc ẩn, ai cũng ẩn chứa tình yêu thương, đều mong muốn góp một chút công sức nhỏ bé để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đây là điều đáng trân trọng. Hãy tìm hiểu về tổ chức từ thiện, cá nhân đó, để nhận định thông tin họ chia sẻ kêu gọi. Hãy làm từ thiện đúng nghĩa, đúng lúc, đúng nơi, để yêu thương thực sự là điều có thật và để yêu thương lan toả như nguồn động lực to lớn cho người bệnh, những người có hoàn cảnh khó khăn thêm sức mạnh tinh thần, vật chất vượt qua bệnh tật”.
Đã từng gặp chuyện lợi dụng lòng tốt
Trao đổi với PV, anh Trần Thành Luân, Chủ nhiệm CLB Niềm tin và Hy vọng (Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho biết: “CLB của chúng tôi gắn bó 5-6 năm ở bệnh viện K3, hoạt động vì bệnh nhi ung thư. Chúng tôi cũng có thời gian gắn bó với các bé, gặp gỡ những hoàn cảnh quá thương tâm. Chúng tôi luôn mong muốn kêu gọi kết nối và chung tay với mọi người để có thể giúp đỡ được thật nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Trong thời gian hoạt động, CLB đã chứng kiến một người phụ nữ đăng lên các trang mạng xã hội là con bị ung thư, đang điều trị tại bệnh viện K3, Tân Triều để kêu gọi ủng hộ. Nhưng, trên thực tế không có bé nào đang được điều trị tại viện. Từ những thông tin đăng tải trên mạng xã hội, chúng tôi đã gặp gỡ người phụ nữ này và yêu cầu chấm dứt ngay việc kêu gọi.
Qua những việc đau lòng, lợi dụng lòng tốt của mọi người, chúng tôi cũng muốn nhắn nhủ đến mọi người phải cẩn thận và tìm hiểu kỹ trước khi ủng hộ. Các hoàn cảnh tự kêu gọi và chia sẻ trên mạng xã hội, cần liên hệ với phòng CTXH các bệnh viện hoặc tìm hiểu thông tin qua các CLB thiện nguyện gắn bó lâu năm tại các bệnh viện”.
Theo Thanh Lan (Nguoiduatin.vn)