Về vụ án “Vô ý làm chết người” xảy ra ngày 29/5/2024 tại Trường Mầm non Hồng Nhung 2, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình đã ra Quyết định:
Khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Phương Quỳnh Anh, sinh năm 1986, trú tại thôn Phúc Hạ, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình là giáo viên trường phụ trách đưa đón mầm non Hồng Nhung 2, địa chỉ tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình về tội “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự.
Khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1965) trú tại tổ 1, phường Quang Trung (lái xe đưa đón học sinh của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2) về tội “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự.
Khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1966) trú tại thôn Đại Lai 2, xã Phú Xuân và Đoàn Thị Nhâm (sinh năm 1998) trú tại tổ 4, phường Trần Lãm (hai giáo viên phụ trách lớp có học sinh tử vong) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự.
Liên quan đến vụ án trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích trên báo điện tử Đảng Cộng sản như sau: Nếu bị buộc tội về tội Tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự thì những người có hành vi vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên, trong vụ án này, qua điều tra cho thấy, nếu đã có quy trình đưa đón học sinh (được coi là có quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính) thì có thể cơ quan tố tụng sẽ chuyển tội danh từ Tội vô ý làm chết người sang Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp quy tắc hành chính theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự.
Tại Điều 129, ngoài hình phạt tù và người phạm tội còn có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là cấm hành nghề. Nếu bị buộc tội về tội danh này, người có hành vi vi phạm có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Đồng quan điểm, trao đổi với Tiền Phong, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho biết ngoài tội Vô ý làm chết người thì bộ luật hình sự còn có quy định về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp.
Theo đó nghề vận tải, nghề giáo dục thì đều có quy tắc của nghề. Bởi vậy, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ quy tắc về việc đưa đón học sinh trong lĩnh vực giáo dục được quy định như thế nào, cơ sở giáo dục này đã có quy định hay chưa để xem xét có thể chuyển tội danh sang tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp hay không.
Còn đối với người có trách nhiệm trong công tác quản lý đối với cơ sở giáo dục này thì cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét về hoạt động có được phép hay không; nội quy quy chế hoạt động có tuân thủ quy định pháp luật hay không; có xây dựng nội quy, quy chế trong việc đưa đón học sinh; có kiểm soát việc đưa đón học sinh cũng như đưa ra các giải pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh hay không.
Theo Chi Chi (Nguoiduatin.vn)