Dòng sông "tử thần" với hàng loạt vụ đuối nước thương tâm
Sông Đào chảy qua địa bàn huyện Yên Thành (Nghệ An) chỉ khoảng 25km, là nỗi ám ảnh của nhiều người dân địa phương. Theo ghi nhận chưa đầy đủ, đã có hàng chục vụ đuối nước xảy ra trên sông Đào - đoạn qua địa bàn huyện Yên Thành.
Một trong những nguyên nhân gây ra các vụ đuối nước, là do bờ sông Đào được thiết kế bê tông quá dốc, trơn, không có điểm bám..., nên khi nạn nhân không mai rơi xuống nước, nếu không được trợ giúp sẽ khó lên được bờ.
Gần 1 tuần trôi qua, người dân xóm xóm Chùa Thàng (xã Liên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết thương tâm của cháu Nguyễn Quang H. (9 tuổi).
Chiều 17/1, H. được chị gái chở từ nhà ông bà ngoại về. Khi qua đoạn sông Đào, H. không may bị trượt ngã xuống dòng sông.
Chị gái chỉ mới 10 tuổi nên không thể nhảy xuống sông cứu được em. Dưới sông, H. không thể tự lên được bờ và bị cuốn trôi mất tích.
Sau 3 ngày tìm kiếm, với sự giúp đỡ của hàng trăm người, thi thể cháu H. cũng đã được tìm thấy cách vị trí gặp nạn khoảng 2,5km.
Điều khiến người dân day dứt và xót xa khi nhìn thấy những vết cào của cháu H. khi cố bám tay, bấu víu vào bờ sông để lên bờ nhưng không thành. Do kiệt sức, bé nhỏ, H. đã bị nước cuốn trôi.
"Khi dòng sông được chặn để phục vụ việc tìm kiếm cháu H., mọi người phát hiện ở vị trí bé gặp nạn có nhiều vết tay, chân. Đây là vết cào cấu của cháu H. cố bám lên bờ nhưng bờ sông trơn quá, rong rêu bám dày nên cháu không leo lên được. Rất thương tâm", ông Trần Xuân Hương - Chủ tịch UBND xã Liên Thành nói.
Không chỉ cái chết của cháu H. mà hàng chục vụ đuối nước thương tâm khác đã xảy ra trên sông Đào cũng khiến người dân nơi đây xót xa.
Như trường hợp 2 chị em Nguyễn Thị Thịnh (24 tuổi) và Nguyễn Thị Phương (22 tuổi) trú xã Trung Thành bị đuối nước thương tâm trên sông Đào vào ngày giáp Tết. Dù sự việc xảy ra nhiều năm nhưng người dân nơi đây vẫn chưa thể quên và thôi ám ảnh.
Hè 2016, nữ sinh lớp 12 B.T.T.T. xuống sông Đào rửa chân - đoạn qua địa bàn xã Lý Thành thì không mai bị rơi xuống nước. 2 người bạn gái đi cùng nhảy xuống cứu T. cũng bị nước cuốn. Một thời gian sau, một nữ sinh lớp 8 cũng bị rơi xuống sông và tử vong.
Hay trường hợp em P.N.T. (một học viên Trường trung cấp An ninh nhân dân; trú xã Trung Thành) ra sông Đào tập bơi và gặp nạn thương tâm.
Người dân địa phương sống dọc 2 bờ sông cho biết, hầu như xã nào có sông này chảy qua, cũng ghi nhận những vụ đuối nước. Người rơi xuống không có chỗ bám để leo lên, kiệt sức, rồi chết.
Người dân, chính quyền hiến kế "xóa" dòng sông chết
Sông Đào chảy qua huyện Yên Thành dài 25km, toàn tuyến được thiết kế lát mái bê tông nhẵn, có 43 điểm bậc lên xuống lòng sông. Trung bình cứ 600m có 1 điểm bậc thang lên xuống.
Người dân và chính quyền địa phương cho rằng, bậc thang lên xuống thiết kế như vậy là quá ít và khoảng cách quá xa nhau.
Nhiều người nêu ý kiến, các cơ quan chức năng cần xem xét thiết kế thêm lan can 2 bên bờ sông, tạo thêm nhiều bậc lên xuống hoặc những mấu gờ bê tông ngay trên bờ sông để khi lỡ có nạn nhân rơi xuống thì tự bấu víu vào leo lên hoặc chờ người đến cứu. Nếu không, nạn nhân sẽ bị nước cuốn đến kiệt sức.
"Hai bên bờ sông được lát bê tông có độ dốc lớn. Nước chảy sau 1 thời gian thì rêu mọc rất trơn trượt. Vì thế người hay động vật rơi xuống đều không có chỗ bám mà leo lên. Kể cả người biết bơi rơi xuống cũng khó mà lên được. Nước cứ cuốn đi kiệt sức mà chết", ông Phan Văn Hà (người dân xã Tăng Thành) chia sẻ.
Ông Hà nêu quan điểm, để hạn chế những tai nạn thương tâm thì cần thiết phải làm lan can 2 bên bờ sông, làm thêm nhiều bậc rửa. Nếu không thể làm thêm các bậc rửa thì có thể gắn thêm các trụ, các gờ bê tông nhỏ ở 2 bên bờ sông với khoảng cách vài mét 1 điểm để đảm bảo an toàn.
Ông Đào Văn Khai - Chủ tịch UBND xã Tăng Thành (Yên Thành) cho biết, xã này năm nào cũng có người đuối nước trên sông.
"Mái bờ sông được lát bê tông chống sạt lở, đẹp về mỹ quan nhưng cần thiết phải có nhiều bậc lên xuống hoặc lan can để đảm bảo an toàn. Người dân phản ánh rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các tai nạn chết đuối là do taluy mái sông quá trơn. Người lớn bị rơi xuống cũng không lên được, nói gì trẻ em.
Trước mắt xã đã cho cắm các biển cảnh báo, bố trí các sào tre bên cạnh để phòng lỡ may có người rơi xuống thì còn kịp ứng cứu. Tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Xã sẽ có ý kiến lên cấp trên nhằm có giải pháp sớm nhất thực trạng này" - ông Khai nói.
Ông Nguyễn Văn Phượng - Giám đốc Công ty thủy lợi Bắc Nghệ An (đơn vị vận hành sông Đào) cho biết, sau nhiều vụ đuối nước khi rơi xuống sông, công ty này đã đề xuất chủ đầu tư dự án làm lan can hai bên bờ sông ở những khu vực cần thiết, thiết kế thêm những trụ bê tông ở mép sông để có điểm bám víu khi chẳng may rơi xuống sông song không được chấp thuận.
Được biết, dự án lát mái bờ sông Đào trên thuộc Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt đầu tư năm 2012 với tổng mức đầu tư trên 5.705 tỷ đồng, vay vốn ODA Nhật Bản (JICA).
Riêng gói thầu kè kênh Đào ba ra Đô Lương có trị giá 700 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2019, theo hợp đồng kết thúc vào năm 2021, toàn bộ chiều dài dự án là 56km.
Theo Ngọc Tú (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)