Ngày 20/8, Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, nơi đây đang điều trị cho một trường hợp bé gái bị đuối nước rất nặng.
Trước đó vào trưa 10/8, khoa Cấp cứu của BV tiếp nhận bé T.N.T.V. (9 tuổi) bị đuối nước có dấu hiệu thở nhanh, thở co kéo, nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, kích động, không ngừng la hét.
Theo thông tin của người thân, sáng cùng ngày bé V. cùng 2 anh trai họ được ông nội dẫn đi câu cá. Trong lúc đang chơi đùa, một bé trai trượt chân kéo theo bé V. rơi từ thành cầu rớt xuống giữa sông.
Phát hiện sự việc, ông nội của bé lập tức tri hô kêu cứu còn bé trai còn lại thì chạy ngay xuống bờ sông, tìm cách vớt bé V. vào.
Ngay lúc ấy có một anh tài xế chạy ngang cũng vội vàng chạy xuống bờ sông để phụ vớt bé V. lên. Khoảng 10 phút sau tai nạn, bé V. mới được đưa lên bờ trong tình trạng hôn mê không có phản xạ, da tím tái, ngưng thở. Riêng bé trai đã tử vong.
Bé được người đi đường ép tim, thổi ngạt đến khi thấy bé ho được thì ông nội bé nhanh chóng chở bé đến BV gần nhà. Bệnh nhi được bác sĩ xử trí cấp cứu bằng cách cắt cơn co giật, cho bé thở oxy và nhanh chóng chuyển bé đến BV quận Thủ Đức.
Nhận được tin từ khoa Cấp cứu, bác sĩ trực Đơn vị Hồi sức nhi BV quận Thủ Đức nhanh chóng có mặt để đón bệnh nhi ngay thời điểm nhập viện.
Lúc này, bệnh nhi kích thích, la hét, thở co kéo, phản xạ với kích thích đau chính xác, đồng tử đều 2 bên, phổi nhiều ran ứ đọng.
Bệnh nhân được chụp X-quang cấp cứu và chuyển bé vào Hồi sức Nhi để các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, an thần, thở máy, chống phù não và kháng sinh cho bé.
Trong quá trình cấp cứu cho bé, các bác sĩ còn ghi nhận bệnh nhi bị phù nề nhiều vùng thanh môn, sonde dạ dày ra nhiều nước dịch có màu đục chứng tỏ lượng nước mà bé nuốt vào rất nhiều.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, bé V. đã qua cơn nguy kịch. Bé được cai máy thở và được đánh giá mức độ tổn thương não do thiếu oxy.
May mắn là não bé không bị tổn thương nghiêm trọng mặc dù bé bị ngạt nước trong thời gian dài. Hiện tại bé ổn định, ăn uống và sinh hoạt bình thường, được chuyển qua khoa Nhi để theo dõi điều trị tiếp và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Nguyễn Hà Phương, Đơn vị Hồi sức nhi BV lưu ý, mùa hè là khoảng thời gian vui chơi của trẻ.
Chính vì vậy phụ huynh nên lưu ý cho trẻ chơi ở những nơi an toàn, có thể kiểm soát được.
Đồng thời các bậc phụ huynh có con em nhỏ cũng nên trang bị cho mình các kiến thức về sơ cấp cứu đúng cách và kịp thời để hạn chế tối đa những thương tổn cho trẻ khi tai nạn xảy ra.
"Trường hợp trên rất may thời gian hồi sức của bé ngắn. Nếu không bé có thể chịu di chứng nặng nề từ việc tổn thương não thậm chí đe doạ đến cả tính mạng.
Cha mẹ hãy cho trẻ học bơi hoặc dạy cho trẻ những kỹ năng thiết yếu để có khả năng tự phòng vệ và bảo vệ bản thân trong trường hợp không có người lớn bên cạnh" - bác sĩ Phương nói.
Theo Hoàng Lê (Pháp Luật & Bạn Đọc)