Không sử dụng thiết bị kiểm định chất lượng thực phẩm
Theo thông tin từ sở Y tế Hà Nội, ngày 11/9, tại trường tiểu học Lê Hữu Tựu (xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội) đã xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến hàng chục học sinh phải điều trị rối loạn tiêu hóa.
Chiều 15/9, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bà Dương Thị Lan Phương - Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Hữu Tựu - cho biết: “Ngay khi có thông tin 11 học sinh gặp vấn đề rối loạn tiêu hóa, chúng tôi đã chủ động báo cáo cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Cụ thể, bữa trưa 10/9, trường tổ chức cho 948 học sinh ăn bán trú với thực đơn gồm: Đậu sốt cà chua, canh rau cải, giò rán rim mắm, su su xào cà rốt và cơm trắng) do hộ kinh doanh Lê Tuấn Mạnh nấu tại trường. Ngoài ra, những học sinh này còn dùng bữa phụ lúc 14h cùng ngày là sữa có đường và không đường.
Đến sáng hôm sau, có 16 học sinh nghỉ học, trong đó, 11 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài 2 - 3 lần, 1 học sinh có biểu hiện kèm theo là sốt nhẹ, được điều trị tại gia đình theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại trung tâm Y tế huyện Đông Anh. Sau sự cố đáng tiếc, 11 học sinh này bị rối loạn tiêu hóa nhưng sức khỏe đều ổn định và thật may mắn, tất cả đã đi học trở lại bình thường”.
Theo Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Hữu Tựu, thực phẩm dùng để chuẩn bị bữa trưa bán trú của học sinh đều được giao nhận tươi sống vào mỗi buổi sáng nhưng không sử dụng thiết bị nào hỗ trợ kiểm định chất lượng.
“Mỗi sáng, đích thân tôi cùng một số đại diện ban phụ huynh học sinh sẽ có mặt để kiểm tra quá trình giao nhận thực phẩm. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ có thể nhận định mức độ tươi sống của thực phẩm bằng mắt thường, dùng tay cảm nhận và dùng chính kinh nghiệm nội trợ hàng chục năm qua của bản thân, nhìn là biết” - bà Phương phân trần.
Phụ huynh “kêu trời”
Chia sẻ quan điểm về sự cố trên, đại diện hội cha mẹ học sinh của trường tiểu học Lê Hữu Tựu cho biết: “Ngay khi có thông tin một số cháu có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài bất thường, tôi cũng đã có mặt cùng phối hợp với nhà trường để kiểm soát sự việc.
Khi đến từng lớp học để kiểm tra sĩ số, tôi thấy may mắn vì số lượng học sinh phải nghỉ học không tăng thêm. Bản thân cũng làm trong ngành Dược nên khi thấy dấu hiệu ở các cháu là rối loạn tiêu hóa, tôi cũng yên tâm hơn phần nào, bởi không cháu nào phải nhập viện điều trị và sức khỏe cũng sớm ổn định”.
“Sau khi xảy ra sự cố, trường phải tạm dừng tổ chức ăn bán trú cho học sinh, cũng nhiều phụ huynh “kêu trời”, cảm thấy bất tiện vì phải đón con về nhà ăn trưa rồi lại đưa con đến trường. Trời nắng ráo còn đỡ, hôm nào trời mưa gió thì khổ cả các con, khổ cả phụ huynh… Nhưng biết sao được, chúng tôi vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn hôm trước, để xác định rõ nguyên nhân, đảm bảo an toàn rồi cho các cháu tiếp tục được ăn trưa, nghỉ ngơi tại trường” - bà Dương Thị Lan Phương - Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Hữu Tựu thông tin thêm.
Đơn vị cung cấp suất ăn nói gì?
Có mặt tại khu vực bếp nấu ở trường tiểu học Lê Hữu Tựu, ông Lê Tuấn Mạnh - đại diện hộ kinh doanh cung cấp suất ăn sẵn cho trường tiểu học này - giới thiệu các khâu sơ chế, chế biến thực phẩm và phân chia suất ăn cho học sinh được thực hiện tuần tự ra sao. Ông cho biết: “Toàn bộ nhân viên trong bếp nấu của chúng tôi gồm có 8 người, thực hiện các khâu chế biến thực phẩm, đảm bảo bữa ăn cho học sinh”.
“Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã nhanh chóng phối hợp với nhà trường, báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết. Hiện tại, vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, nên chúng tôi vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân từ đâu. Với kinh nghiệm gần 10 năm cung cấp thực phẩm và suất ăn cho học sinh tại các trường học khác nhau, đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp sự cố như thế này. Thật đáng tiếc khi đã có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của các cháu, nhưng cũng may mắn là các cháu đã đi học trở lại” - ông Mạnh bày tỏ.
Theo vị Hiệu trưởng, hộ kinh doanh Lê Tuấn Mạnh mới bắt đầu cung cấp suất ăn cho học sinh đăng ký ăn bán trú tại trường tiểu học Lê Hữu Tựu từ đầu năm học 2020-2021.
Qua kiểm tra hồ sơ pháp lý bước đầu, hộ kinh doanh Lê Tuấn Mạnh xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến hoạt động an toàn thực phẩm được cấp phép; Cơ sở đã bố trí bếp ăn theo nguyên tắc một chiều, có biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại; Có đầy đủ dụng cụ chế biến riêng với thực phẩm tươi sống; lưu mẫu thức ăn theo quy định; Sử dụng nguồn nước sạch nhà máy để chế biến thực phẩm...
Được biết, trung tâm Y tế huyện Đông Anh đã lấy 7 mẫu gồm 5 mẫu thức ăn lưu bữa trưa ngày 10/9 và 2 mẫu sữa gửi trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm, hiện tại chưa có kết quả.
Tuy nhiên, trước mắt hộ kinh doanh Lê Tuấn Mạnh đã bị yêu cầu tạm dừng hoạt động, ngừng cung cấp suất ăn sẵn cho trường tiểu học Lê Hữu Tựu cho đến khi có kết luận chính thức về sự cố an toàn thực phẩm nói trên.
Theo Thủy Tiên (Nguoiduatin.vn)