Suốt 4 năm, vợ ngày đêm đau đáu tìm lại người chồng tâm thần
Những ngày này, không khí nô nức, rộn ràng đã dần bao trùm các nẻo đường góc phố. Mọi người đều thu xếp công việc để chuẩn bị khép lại năm cũ, bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, mọi người cũng đã mua sắm những thứ cần thiết để chào đón năm mới.
Tại làng quê yên bình ở xã Yên Lãng (Thanh Sơn, Phú Thọ), chị Đinh Thị Cường (41 tuổi) vẫn đang thu xếp nốt các công việc gia đình để chuẩn bị đón năm mới. Chị Cường cùng chồng là anh Đinh Văn Phú (45 tuổi) có với nhau 2 người con. Con trai lớn sinh năm 2000, cô con gái út sinh năm 2003.
Khi mới kết hôn, cuộc sống gia đình của chị Cường cùng đầm ấm, hạnh phúc như bao gia đình khác. Sau khi sinh được 2 con, đến năm 2004, anh Phú bắt đầu mắc bệnh, tâm lý bất ổn rồi bị bệnh về tâm thần. Chị Cường đã đưa chồng đi điều trị khắp nơi nhưng không có kết quả.
“Khi mới mắc bệnh, anh cứ nửa tỉnh nửa mê. Lúc tỉnh thì bình thường nhưng những lúc không biết gì lại phá nhà cửa đồ đạc, có lần anh ném hết cả mái nhà xuống. Anh đánh tôi ngất lịm đi nhưng khi tôi tỉnh dậy hỏi thì anh lại không nhớ gì”, chị Cường nhớ lại.
Sau khi kết hôn, 2 vợ chồng chị Cường vốn đã khó khăn. Kể từ khi anh Phú mắc bệnh, cuộc sống gia đình càng thêm chật vật hơn: “Tôi bán hết tài sản tích góp đi để chữa bệnh cho chồng, bà ngoại, người thân cũng hỗ trợ tiền bạc để chạy chữa nhưng bệnh tình không thuyên giảm”, chị Cường tâm sự.
Đến năm 2008, anh Phú bỏ nhà đi từ đó không có tung tích gì, một mình chị Cường nuôi nấng 2 người con nhỏ và chăm sóc thêm em gái chồng. Khoảng 7-8 năm trở lại đây, em gái của chồng chị lập gia đình riêng, cuộc sống của 3 mẹ con chị Cường cứ lặng lẽ trôi đi. Không một ngày nào, chị không đau đáu chuyện tìm lại người chồng bệnh tật đáng thương.
“Anh ấy mất tích sau nhiều năm, cũng có nhiều người đến ngỏ ý bầu bạn cùng tôi nhưng tôi đều từ chối. Tôi nghĩ đến các con, nghĩ thương chồng. Trời mưa, trời lạnh mình mặc cái áo ấm nghĩ lại xót, không biết anh ấy đang ở đâu, có ổn không. Cứ suy nghĩ như thế nên tôi không thể nào chấp nhận tình cảm của ai được, chỉ mong tìm được chồng về”, chị Cường tâm sự.
‘Tết này nhất định có đào, dù không đầy đủ nhưng đầm ấm hơn’
Thời gian trôi đi, các con của chị Cường cũng dần lớn nhưng chồng vẫn không có tung tích gì. Thấy mẹ ở nhà buồn chán, con trai chị “mách” mẹ dùng mạng xã hội tiktok cho vui.
Sau vài lần sử dụng, chị Cường tình cờ thấy có người giống anh Phú xuất hiện trên mạng: “Thấy giống lắm, anh ấy hay chống tay lên má, cái nét đi tôi cũng nhận ra. Hôm ấy, tôi bỏ điện thoại ra khoe mọi người, xem đến hết cả pin điện thoại mới thôi. Mọi người cũng bàn tán người bảo phải người bảo không.
Sau đó, tôi mới gọi điện cho chị Tuyết, là người đăng tải video lên mạng, nhờ chị ấy xem giúp xem có hình xăm tượng phật ở ngực không, chị ấy kiểm tra thì đúng là có thật. Tôi nhờ chị giữ anh ấy lại rồi tôi và người thân đến.
“Xuống nhìn thấy là tôi nhận ra luôn rồi, lúc ấy chỉ muốn bật khóc, xúc động lắm vì suốt bao nhiêu năm tìm kiếm như thế. Nhưng sau tôi cũng kiềm chế được, trước cũng khóc hết nước mắt vì tủi thân rồi”, chị Cường chia sẻ.
Từ ngày đón anh Phú về nhà, cuộc sống gia đình trở nên đầm ấm hơn: “Vợ có chồng, các con có cha. Tuy còn vất vả nhưng cũng thoái mái tư tưởng vì tôi không còn tự suy nghĩ, dằn vặt vì không tìm được chồng về nữa”, chị Cường chia sẻ.
Đón anh Cường về, cuộc sống sinh hoạt trong gia đình cũng không mấy xáo trộn. Chị Cường luôn cố gắng để mắt đến anh, ban đầu phải nhốt lại để anh không đi lung tung nữa, dần dần khi đã quen thì chỉ ở nhà.
“Phải nhờ người làm thân với anh rồi mới cắt tóc cho anh được. Bé út ban đầu đến làm thân với bố, ông ấy bảo: “Cháu gái này là ai năm nay bao nhiêu tuổi rồi”, lúc ấy con gái mới bảo: “Con là con gái của bố, bố không nhận ra hả?”, dần dần anh cũng quen”, chị Cường chia sẻ.
Giờ đây, hàng ngày chị Cường cùng các con vẫn thay nhau chăm sóc anh Phú. Dù khó khăn nhưng chị vẫn vui vẻ, tươi tắn lắm: “Tìm được chồng về là gia đình trọn vẹn, tôi và các con đều vui. Tôi cũng thoải mái trong tư tưởng, mọi thứ đều trở nên tích cực hơn”, chị Cường chia sẻ.
Tết cận kề, gia đình chị Cường vẫn chưa mua sắm được gì nhưng với chị và các con, Tết năm nay là lớn nhất. Những năm trước không mua sắm gì cả, chỉ nghĩ đến các con buồn vì thiếu bố. Năm nay thì tôi cảm thấy nhẹ nhàng lắm, vừa đón được anh về, vừa thu xếp xong phần mộ tổ tiên.
“Tết năm nay dù không đủ đầy nhưng đầm ấm hơn, vui vẻ hơn, vật chất dù ít, dù thiếu nhưng vẫn là đủ, năm nay thế nào cũng vẫn là đủ. Tết năm nay phải phấn khởi hơn mọi năm, nhất định phải có cành quất, cành đào mới được”, chị Cường cười híp mắt.
Theo Tùng Nguyễn (Saostar.vn)