Phản ánh tới Báo Người Lao Động, người dân gửi tiền vào Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết đã 4 năm trôi qua, họ nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng mong sớm lấy lại số tiền gửi khi quỹ này đóng cửa, tuy nhiên đến nay tất cả đều trôi vào im lặng.
QTDND Hoằng Đồng được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa cấp phép thành lập và hoạt động từ năm 2007; được phép kinh doanh tiền tệ, tín dụng và các hoạt động dịch vụ ngân hàng trên địa bàn 4 xã Hoằng Đồng, Hoằng Thái, Hoằng Thịnh và Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa). Tuy nhiên, cuối năm 2014, QTDND Hoằng Đồng hoạt động trái quy định dẫn tới thất thoát 28 tỉ đồng. Liên quan đến vụ việc, nhiều cán bộ bị phạt tù.
Dù các cá nhân sai phạm tại QTDND Hoằng Đồng đã phải chịu trừng phạt nhưng việc khắc phục hậu quả là hoàn trả lại tiền cho người dân gửi vào quỹ này đến nay vẫn chưa được thực hiện. Bà Nguyễn Thị Chớn (SN 1941) cho biết cả đời làm lụng vất vả tiết kiệm được 200 triệu đồng, đang định sửa lại căn nhà nhưng rồi nhân viên của QTDND Hoằng Đồng tới vận động. Nghe bùi tai, bà mang gửi dự định khoảng 1 tháng sẽ rút ra để sửa nhà. Nhưng đã 4 năm trôi qua, bà vẫn sống trong căn nhà xập xệ, xuống cấp. "Giờ chỉ mong sớm lấy được tiền để trang trải cuộc sống và sửa lại căn nhà mà không biết chờ đến khi nào" - bà Chớn nói như khóc.
Còn ông Nguyễn Văn Nguyên (SN 1950) bức xúc: "Khi QTDND Hoằng Đồng ra đời, họ nhiều lần đến nhà vận động gia đình tham gia, sau đó gia đình gom góp cả của con cái gửi vào đó 235 triệu đồng. Gửi tiền chưa lâu thì chúng tôi nghe tin quỹ sắp vỡ vì cho vay trái quy định, gia đình có lên quỹ xin rút tiền ra nhưng không được. Sau này sự việc bung bét, cán bộ đi tù nhưng việc khắc phục hậu quả vẫn không thấy khiến người dân chúng tôi vô cùng lo lắng".
Cũng theo ông Nguyên, nhiều người gửi tiền vào QTDND Hoằng Đồng có hoàn cảnh rất khó khăn. Cả đời họ tích cóp được vài triệu đồng hy vọng gửi tiền vào quỹ mỗi tháng sẽ kiếm thêm được ít tiền lãi trang trải cho cuộc sống. Ai ngờ tiền lãi chẳng có mà tiền gốc cũng có nguy cơ mất trắng. "Như bà Hoàng Ngọc Ơn, sống neo đơn, gửi vào quỹ 11 triệu đồng mà đến lúc chết cũng không rút được tiền" - ông Nguyên kể.
Thông cảm nhưng không làm được gì
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết kể từ ngày dừng hoạt động, QTDND Hoằng Đồng nợ hơn 31 tỉ đồng với trên 900 sổ tiền gửi. Hiện số tiền sai phạm buộc phải thu hồi vẫn chưa thu được đồng nào. "Để khắc phục hậu quả, chúng tôi đã làm phương án phá sản gửi Ngân hàng Nhà nước và trung ương từ tháng 7-2016. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa được đồng ý nên vẫn phải chờ. Còn lúc nào người dân có thể lấy được tiền thì chúng tôi cũng không rõ" - ông An nói.
Cũng theo ông An, việc xử lý hậu quả mà QTDND Hoằng Đồng để lại nằm ngoài khả năng của Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh và trung ương vì Ngân hàng Nhà nước chỉ có nhiệm vụ tập hợp sau đó trình Chính phủ, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị để xử lý. "Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều người dân và cũng rất thông cảm, chia sẻ với họ. Tuy nhiên, để giải quyết cho người dân rút tiền thì chúng tôi cũng không thể làm được" - ông An giãi bày.
Theo Thanh Tuấn (Nld.com.vn)