Vợ chồng than trời vì bao nhiêu tiền tích góp, làm lụng vất vả bị lừa mất trắng chỉ trong 1 tiếng, dân mạng chỉ ra điểm yếu 'chí mạng'

21/12/2024 06:36:55

Người phụ nữ chia sẻ câu chuyện hai vợ chồng được cho là đã bị lừa hết toàn bộ số tiền tích góp, làm lụng chắt chiu sau khi bị đối tượng giả danh công an gọi điện yêu cầu cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo".

Thời gian gần đây, Công an một số đơn vị địa phương nhận được nhiều tin báo, tố giác về tội phạm của người dân nhận được cuộc gọi của các đối tượng giả mạo cán bộ Cơ quan Nhà nước, Công an phường… đề nghị cài đặt ứng dụng dịch vụ công quốc gia thực hiện cập nhập thông tin cá nhân cho con em mình. 

Dù chiêu lừa không mới và đã nhiều lần cơ quan công an đưa ra cảnh báo, tuy nhiên vẫn nhiều người chủ quan, mắc bẫy các đối tượng lừa đảo. 

Mới đây, tài khoản T.N cũng đã than thở khi hai vợ chồng không may bị mất số tiền lớn khi đối tượng lừa đảo gia danh công an gọi điện yêu cầu làm lại mã định danh cho con. 

Chị T.N chia sẻ, "Cuối năm mà em bị dính 1 cú đau quá. Bao nhiêu tích góp của 2 vợ chồng, thức khuya dậy sớm, tiết kiệm từng chút mà chỉ trong vòng 1 tiếng bị lừa trắng tay, còn bị ôm cục nợ. Giờ kêu trời không thấu.

Mọi người cẩn thận nha, giả danh Công an gọi yêu cầu làm lại mã định danh cho con do bị trùng. Vợ chồng em tin chúng nó để rồi trắng tay. Chỉ tải về cái app này với chụp chân dung mà bị hack vào tài khoản ngân hàng lừa hết tiền của vợ chồng em rồi".

Vợ chồng than trời vì bao nhiêu tiền tích góp, làm lụng vất vả bị lừa mất trắng chỉ trong 1 tiếng, dân mạng chỉ ra điểm yếu 'chí mạng'
Dòng chia sẻ của người phụ nữ bị đối tượng giả danh công an gọi điện lừa đảo khiến nhiều người xôn xao

Dòng chia sẻ của chị T.N đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng mới hơn 23 nghìn lượt chia sẻ và hàng chục nghìn bình luận từ mọi người. Một số người đã lên tiếng cảnh báo và cho rằng thủ đoạn lừa này đã được báo đài, mạng xã hội cảnh báo nhiều rồi mà sao vẫn mất cảnh giác thì chị T.N cho biết, "Do bận làm ăn nên không có chú ý". 

Không chỉ chị T.N mà rất nhiều người dùng mạng xã hội cũng cho biết, thời gian gần đây đã nhận được cuộc gọi tương tự từ các đối tượng lừa đảo yêu cầu cài đặt phầm mềm dịch vụ công giả mạo để làm định danh mức 2 hoặc định danh cho con. 

"Trời ơi. Vừa hôm qua nó cũng gọi cho mình tức thì. Nó hối mình cài phần mềm lại mã định danh cho con nhưng mình từng đọc các bài báo cảnh báo những vụ lừa đảo tương tự rồi nên mình chặn số nó luôn. Mấy thủ tục định danh đều phải đến cơ quan công an làm trực tiếp chứ không đơn vị nào giải quyết qua điện thoại đâu. Mọi người tỉnh táo nhé", tài khoản D.P chia sẻ. 

Không ít người lên tiếng cảnh báo mọi người nên cảnh giác trước thủ đoạn trên. Đồng thời, nhắc nhở mọi người nên thường xuyên cập nhật thông tin xã hội, báo chí, để cao cảnh giác để tránh "sập bẫy" thủ đoạn lừa đảo không mới này.

"Mấy hôm trước mình cũng nhận được cuộc gọi y hệt vậy, may mà tỉnh táo chặn số luôn. Cuối năm các đối tượng lừa đào hoạt động mạnh và chiêu thức tinh vi hơn nên mọi người cảnh giác nhé. Nhẹ dạ một cái là mất cả đống tiền vất vả dành dụm. Thôi cứ coi như ngày tháng xui rủi của đi thay người vậy", tài khoản L.A bình luận. 

Trước đó, cơ quan công an các tỉnh thành cũng liên tục đưa ra cảnh báo và nhắc nhở người dân về các thủ đoạn lừa đảo cài đặt app dịch vụ công để làm mã định danh mức 2. 

Cơ quan Công an khuyến cáo

1. Hiện nay Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia chỉ cung cấp duy nhất thông qua tên miền https://dichvucong.gov.vn/. Các dịch vụ công trực tuyến khác cung cấp thông qua tên miền có đuôi: “.gov.vn”.

2. Cổng dịch vụ công quốc gia hiện nay chưa phát triển ứng dụng (app) riêng cho điện thoại. Các đối tượng hướng dẫn cài đặt ứng dụng dịch vụ công quốc gia lên điện thoại là lừa đảo. Người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng

3. Người dân không cài đặt các ứng dụng từ nguồn không chính thống, chưa được xác minh trên các trang web, kho ứng dụng không chính hãng, từ các đường link lạ. Chỉ truy cập, tải và cài đặt ứng dụng chính thức thông qua các kho ứng dụng Google Play và Apple Store, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển).

4. Không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị.

5. Trường hợp người thân không may bị “mắc bẫy” đối tượng, thực hiện cài đặt ứng dụng giả mạo, đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại (màn hình bị tối đen, bị hại không thao tác được trên màn hình, không tắt nguồn được) thì ngay lập tức liên hệ đường dây nóng Ngân hàng để khóa tài khoản. Đồng thời thực hiện ngay việc đổi mật khẩu của tài khoản ngân hàng (internet banking). Sau đó fomat lại điện thoại (về trạng thái ban đầu của nhà sản xuất) để xóa ứng dụng giả mạo chứa mã độc.

6. Khi phát hiện các website, ứng dụng giả mạo cần thông báo ngay với Cảnh sát khu vực/Công an xã trên địa bàn hoặc Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn.

Theo Nam An (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật