Xôn xao miền quê
“Mất hết rồi"; "tôi trắng tay rồi"; "biết người ở đâu mà đòi, thế là tan cửa nát nhà",… là những tiếng than vãn đầy cay đắng của nhiều người dân tại xã Nam Trung trong những ngày gần đây. Nguyên nhân bắt nguồn từ khoảng 1 tháng trước, khi gia đình ông N.V.B. (SN 1981) và vợ là L.T.M. (SN 1990) cùng trú tại thôn Độc Lập, xã Nam Trung tuyên bố vỡ hụi.
Thông tin VietNamNet tìm hiểu, thời điểm đó, rất nhiều người đã kéo đến nhà ông B. để đòi tiền nhưng bất thành. Trước sức ép ngày càng lớn, bà M. rời nhà, đi đâu không ai biết. Đỉnh điểm, 16h ngày 20/11, một số người kéo đến đặt quan tài, rải vàng mã trước nhà ông bà M. để gây sức ép, đòi nợ.
Trước nguy cơ mất an ninh trật tự, chính quyền địa phương phải cử lực lượng xuống giải tán đám đông. Một số người dân chia sẻ, vợ chồng ông B. vốn kinh doanh điện thoại. Vài năm trở lại đây, vợ chồng này kêu gọi mọi người góp vốn theo hình thức “góp hụi”. Rất nhiều người đã hùn tiền cho bà M. để mong kiếm lãi cao.
Bất ngờ, khoảng 1 tháng trước, vợ chồng bà M. tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng trả lãi và gốc cho các thành viên. Tính đến hiện tại, theo người dân, “nhóm hụi” có khoảng 50 người tham gia với số tiền lên tới 100 tỷ đồng.
Nói về hành động mang theo quan tài, vàng mã đến nhà ông B. để gây sức ép, bà Đ. (trú tại xã Nam Trung) rưng rưng: “Cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm như vậy. Nhà tôi cho vay số tiền gần 4 tỷ đồng. Những năm qua, tôi được nhận lãi đều. Cho đến 1 tháng trước, chúng tôi mới ngã ngửa việc bà M. tuyên bố vỡ nợ”.
Tương tự, chị T. cũng đã chuyển cho gia đình bà M. số tiền gần 7 tỷ đồng. “Cuối năm 2022, tôi bắt đầu chuyển tiền cho vợ chồng M. Do là chỗ thân thiết nên tôi tin tưởng. Không ngờ họ chỉ nói vỡ nợ, không trả được nữa, rồi bỏ đi”, chị T. bức xúc nói.
“Tiền mất, tật mang”
Đôi vợ chồng tuyên bố vỡ hụi, nhiều trường hợp rơi vào cảnh vừa là chủ nợ vừa là con nợ. Điển hình là bà M. trú cùng thôn với vợ chồng ông B.
Đôi mắt đỏ hoe, giọng nói nghẹn ngào, bà M. cho biết: “Tôi có mấy trăm triệu tích cóp cả đời đưa cho bà M. vay. Thậm chí tôi còn đi vay để hùn vào. Giờ đây, nhiều người tìm đến đòi mà tôi không biết lấy gì để trả. Không khí gia đình rất căng thẳng, nhìn ai tôi cũng khóc. Biết mình dại dột mà không kêu ai được”.
“Mất số tiền lớn khiến tôi suy sụp, nhiều lúc còn nghĩ quẩn. Ngoài số tiền tích lũy của gia đình ra, tôi cũng đi vay mượn từ rất nhiều người khác. Tôi đã bán cả đất, thế chấp sổ đỏ của nhà và của bà ngoại vào ngân hàng rồi mà vẫn chưa thể trả hết”, chị L., một trường hợp khác xót xa nói.
Chị L. vừa dứt lời, bà M. lại gạt nước mắt tâm sự: “Tiền của mình mất rồi, nhưng nợ ngoài vẫn còn đó. Giờ thành con nợ của nhiều người, tôi không biết lấy tiền đâu để trả. Vợ chồng nào dính chuyện cũng đánh chửi, xích mích muốn bỏ nhau”.
Không chỉ có người ngoài, ngay cả người thân trong gia đình chủ hụi cũng là “nạn nhân” như trường hợp của chị V. “Con gái tôi gọi M. bằng mợ. Từ khi biết bị mất tiền, cháu cứ ngất lên ngất xuống. Tiền thì cháu vay ngân hàng, vay mượn khắp nơi đến gần 5 tỷ. Mong sao cơ quan chức năng sớm vào cuộc, giúp cho người dân, để cuộc sống quê tôi trở lại yên bình”, mẹ chị V. chia sẻ.
Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Nam Trung cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự trước việc nhiều người tập trung những ngày qua, UBND xã đã cử lực lượng chức năng giám sát. Đồng thời UBND khuyến cáo người dân bình tĩnh, tránh việc gây rối mất trật tự công cộng, vô tình vi phạm pháp luật.
“Hiện, UBND xã đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, xem xét để xử lý. Số tiền người dân thống kê gần trăm tỷ chưa thể xác định được, phải có cơ quan điều tra xác minh làm rõ”, vị đại diện thông tin.
Ngoài vụ việc trên, tại huyện Tiền Hải, một vụ việc tương tự khác cũng gây xôn xao ở địa phương khi bà N. T. L. (SN 2000, trú xã Nam Chính) đã huy động, gọi mở rất nhiều bát phường, hụi với đông người tham gia. Tổng số tiền giao dịch cả gốc lẫn lãi ước tính hàng chục tỷ đồng.
Theo Hoàng Bách (VietNamNet)