Người Lao Động dẫn thông tin từ Công an huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, Trần Quốc Huy thừa nhận từ năm 2018 đến ngày tuyên bố vỡ nợ (26/5), Huy và vợ gom tiền hụi của khoảng 500 lượt người dân cùng một số người quen để làm ăn. Tổng số tiền mượn, gom hụi lên đến gần 80 tỷ đồng.
Huy khai, số tiền trên đã đưa cho một số người để cho vay đáo hạn và cho chị em, bạn bè mượn để làm ăn, kinh doanh, sau đó bị giật luôn. Tiền hụi bị hụt nên phải lấy chủ quyền nhà, đất mang cầm cố ngân hàng để trả.
Trong 2 năm trở lại đây, do không làm gì ra tiền trong khi số tiền trả hụi, trả vay mượn bên ngoài, cộng với gốc và lãi ngân hàng có tháng lên đến gần 900 triệu đồng, vợ chồng Huy không còn khả năng trả nợ. Huy buộc phải tuyên bố vỡ nợ.
Trước đó, ngày 26/5, Công an huyện Thống Nhất vào cuộc xác minh khi nhận được tin báo hàng trăm người dân tập tại nơi ở của vợ chồng Huy tại xã Lộ 25 để đòi tiền sau khi Huy tuyên bố vỡ nợ.
Qua tài liệu, hồ sơ công an thu thập ban đầu xác định có gần 230 bị hại trên địa bàn huyện Thống Nhất, Long Thành, TP Long Khánh và TP Biên Hòa gửi đơn trình báo đã tham gia nhiều dây hụi theo tuần, tháng do vợ chồng Huy tổ chức qua mạng xã hội.
Tổng số tiền các nạn nhân đóng hụi cho vợ chồng Huy lên đến 46,5 tỷ đồng, nhưng chưa được hốt thì bị tuyên bố vỡ hụi. Trong số nạn nhân này, người góp hụi ít nhất 10 triệu đồng, nhiều nhất lên đến 4 tỷ đồng.
Lãnh đạo Công an huyện Thống Nhất cho biết trong trường hợp hành vi của vợ chồng Huy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ tiến hành khởi tố.
Nếu hành vi của vợ chồng Huy không có dấu hiệu hình sự sẽ hướng dẫn người dân chuyển hồ sơ đến TAND huyện để giải quyết theo thẩm quyền.
"Phía công an sẽ áp dụng các biện pháp đảm bảo việc giữ gìn tài sản trong đó có phong tỏa tài khoản, không cho mua bán bất động sản, sẽ kê biên nhà cửa không cho sang nhượng"- lãnh đạo Công an huyện Thống Nhất thông tin.
HL (SHTT)