Theo Công điện số 21 được Chủ tịch UBND Hà Nội ký ban hành chiều 13/10, từ 6h ngày 14/10, TP cho phép cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; khuyến khích làm việc trực tuyến. Xe buýt, taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn.
Bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người mỗi đoàn. Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50%, đảm bảo đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn. Chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.
Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke, quán bar, phòng gym vẫn chưa được mở lại.
Chia sẻ trên trang Tri Thức Trực Tuyến, PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) bày tỏ đồng tình với quan điểm của Hà Nội về vấn đề này.
Theo ông Nga, các dịch vụ được Hà Nội ưu tiên mở trước đều đảm bảo tương đối an toàn so với các quy định, điều kiện về công suất phục vụ, giãn cách và tấm chắn. Tuy nhiên, đối với cơ sở gym, massage, là các loại hình dịch vụ phải hoạt động trong phòng kín và không có gió lưu thông, nên nguy cơ lây nhiễm là rất cao.
Bên cạnh đó, khi tập gym, cơ thể đào thải nhiều mồ hôi, hệ hô hấp làm việc nhiều, cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
"Quán bar, karaoke cũng như vậy, mở cửa giúp giảm khó khăn cho các cơ sở kinh doanh nhưng rất khó kiểm soát. Các dịch vụ này đều tập trung rất đông người trong không gian kín. Vì vậy, trước mắt nên hạn chế, chờ đến khi nguy cơ được kiểm soát", ông Nga nói.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)