Phó Bí thư Hà Nội: Nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao vì vẫn còn F0 trong cộng đồng

14/10/2021 13:00:49

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định, thành phố vẫn đang trong giai đoạn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao vì vẫn còn F0 trong cộng đồng, mới nhất là ổ dịch xuất hiện ở quận Hà Đông, chưa rõ nguồn lây.

Hà Nội đang điều trị 188 F0, 10 điểm phong toả

Trong cuộc họp Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 13/10, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội báo cáo, hiện thành phố còn 188 F0 đang điều trị, còn 10 điểm phong toả. Ổ dịch liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ghi nhận tổng cộng 95 ca mắc (trong đó 76 ca tại Hà Nội, 19 ca tại 4 tỉnh, thành khác) cũng đã được kiểm soát.

Về công tác tiêm chủng vaccine Covid-19, toàn Thành phố đã tiêm được 8.758.985 mũi, trong đó 5.903.804 mũi 1, đạt 97,95% dân số trên 18 tuổi và 71,13% tổng dân số; tiêm mũi 2 được 2.855.181 mũi, đạt 47,4% dân số trên 18 tuổi và 34,4% tổng dân số.

Sở Y tế đề nghị các tuyến y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát tất cả các trường hợp ho sốt để lấy mẫu xét nghiệm. UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ người về từ các khu vực trong cả nước, tiến hành theo dõi, quản lý và xét nghiệm kịp thời; ngoài ra, lưu ý công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

Phó Bí thư Hà Nội: Nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao vì vẫn còn F0 trong cộng đồng
Toàn cảnh buổi họp Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 Hà Nội chiều 13/10 (Ảnh: HNP) 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cho rằng, khi Thành phố mở lại vận tải liên tỉnh, từ hàng không, đường sắt, đường bộ, thì nguy cơ đối với Hà Nội tăng lên rất cao. Do đó, các địa phương cần phải rất tập trung và quyết liệt.

Ông Dũng đề nghị triển khai một cách thường xuyên, liên tục, hiệu quả công tác truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 để người dân tiếp tục ủng hộ, chung sức, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch; đồng thời nâng cao ý thức tự giác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Phó Chủ tịch TP cũng đề nghị tiếp tục duy trì sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở một cách thực chất, quyết liệt hơn. Các địa phương tổ chức giao ban thường xuyên để đôn đốc, chấn chỉnh, kiểm điểm nhắc nhở, làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch, tránh chủ quan, lơ là. Song song, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của tổ Covid-19 cộng đồng trong việc giám sát người dân trở về địa phương; phát huy kinh nghiệm của thị xã Sơn Tây trong việc thành lập các tổ liên gia, tự quản trong phòng chống dịch.

Đặc biệt, ông Chử Xuân Dũng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Công điện 21 của UBND Thành phố một cách cụ thể. Sở Y tế phối hợp với Sở Giao thông vận tải có hướng dẫn cụ thể cho việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi hoạt động vận tải hành khách công cộng được hoạt động trở lại, trên nguyên tắc và yêu cầu chung của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải.

Các quận, huyện có kế hoạch cụ thể cho việc triển khai các nhóm hoạt động từ 6h sáng 14/10, từ việc mở cửa lại công viên, bảo tàng, nhà hàng... Đồng thời, chủ động kiểm tra tại những nơi có nguy cơ cao, như siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt là tại các bệnh viện.

Hà Nội vẫn có nguy cơ lây lan dịch bệnh

Kết luận buổi giao ban, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhận định, Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao vì vẫn còn F0 trong cộng đồng, mới nhất là ổ dịch xuất hiện ở quận Hà Đông, chưa rõ nguồn lây.

Trong khi số người dân trở về từ vùng dịch ngày càng đông; ngoài các phương tiện máy bay, tàu hoả, xe khách, người dân còn di chuyển tự phát bằng phương tiện cá nhân. Các tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Hà Nam cũng vừa phát sinh thêm các ổ dịch mới rất phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Phong cũng chỉ rõ, Hà Nội có 97,7% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1. Tuy chỉ có hơn 2% số người từ 18 tuổi trở lên chưa đủ điều kiện được tiêm mũi 1, nhưng con số lên tới khoảng trên 120.000 người, là những người có bệnh nền, tuổi cao, phụ nữ mang thai chưa đến 13 tuần mà chỉ định không thể tiêm được...

Ngoài ra, gần 3 triệu trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm. Nếu những người cao tuổi, bệnh nền không thể tiêm bị mắc SARS-CoV-2 thì nguy cơ chuyển nặng, thậm chí tử vong sẽ tăng cao.

"Trên thực tế tại Hà Nội một số quận, huyện nhiều ngày chưa có ca F0 trong cộng đồng, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan", ông Phong nhấn mạnh và yêu cầu, cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quán triệt tinh thần tuyệt đối không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào lúc này; phải nêu cao trách nhiệm hơn nữa, phải quyết liệt ngay từ những ngày đầu thiết lập trạng thái bình thường mới.

Phó Bí thư Hà Nội: Nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao vì vẫn còn F0 trong cộng đồng - 1
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: HNP) 

Phó Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, để bảo vệ thành quả chống dịch đạt được thời gian vừa qua, các quận, huyện, thị xã phải chủ động dự báo và đánh giá đúng tình hình, nhất là các nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, xây dựng kế hoạch, phương án rà soát điều kiện cơ sở vật chất, con người để ứng phó khi cần thiết, tiếp tục dự phòng ở mức độ cao hơn; không được chủ quan, lơ là, đảm bảo chuyển trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trong tình hình mới.

"Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch của Thành phố thời gian qua cho thấy, phải chủ động chuẩn bị trước một bước và quan trọng là phải dựa vào nhân dân, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đến tận thôn, tổ dân phố, các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ tự quản liên gia...", ông Phong nêu rõ.

Phó Bí thư Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp; trước mắt giữ nguyên hiện trạng các cơ sở cách ly tập trung từ nay đến hết tháng 10/2021 để đề phòng các tình huống phát sinh. Chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện; nghiên cứu, đẩy mạnh các mô hình tự quản như đang được áp dụng có hiệu quả tại thị xã Sơn Tây và một số địa phương khác.

Đồng thời rà soát ngay cơ sở vật chất của 579 trạm y tế cấp xã, nhất là hệ thống oxy, cơ chế vận hành phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Các quận, huyện, thị xã phải xây dựng ngay kế hoạch cụ thể từng phần việc, từng loại hình tổ chức, cơ sở nhằm quản lý việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch khi mở lại các hoạt động, dịch vụ. Công an Thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát di biến động dân cư, kiểm tra việc chấp hành phòng chống dịch từ cửa ngõ đến nội đô Thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ sớm ban hành chỉ thị mới và nghị quyết tổng thể nhằm lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện chỉ đạo của Trung ương, vừa bảo đảm phòng, chống dịch an toàn, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. 15 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục đi kiểm tra tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch tại các địa phương, tập trung kiểm tra đột xuất từ cơ sở.

Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)