PGS Bùi Hiền: Tôi không cải tiến chữ viết chỉ để 'cho vui'
Sau khi Cục Bản quyền tác giả- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác phẩm cải tiến chữ viết tiếng Việt cho PGS Bùi Hiền, có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, cấp giấy chứng nhận một tác phẩm không có giá trị là không nên và tiếp tục "ném đá" PGS Bùi Hiền.
Không vi phạm điều cấm về quyền tác giả
Liên quan đến đề này, theo đại diện Cục Bản quyền tác giả, việc cấp giấy đăng ký chứng nhận cho PGS Bùi Hiền là hoàn toàn đúng pháp luật.
Theo quy định về quyền tác giả, những tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ đều được đăng ký bản quyền; Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết, hoặc ký tự khác; Các bài giảng, bài phát biểu, bài nói, thậm chí một câu thơ cũng được đăng ký bản quyền....
Bài viết của PGS Bùi Hiền do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình và không sao chép của người khác thì được đăng ký giấy chứng nhận bản quyền.
Đồng quan điểm, ông Tô Văn Long, nguyên Trưởng phòng Bản quyền tác giả, Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL cho biết, tác phẩm của PGS Bùi Hiền không vi phạm điều cấm trong các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả.
“Đây là tác phẩm có sáng tạo, được thể hiện dưới dạng chữ viết. Vì tác phẩm này không sao chép của ai nên được cấp giấy chứng nhận là đương nhiên”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, tác phẩm cải tiến tiếng Việt của PGS Bùi Hiền được cấp chứng nhận “đăng ký bản quyền” chứ không phải “chứng nhận bản quyền”. Do đó, nếu có kiện cáo, tranh chấp, PGS Bùi Hiền vẫn phải chịu trách nhiệm và sẽ bị thu hồi giấy đăng ký này. (Trước đây là “giấy chứng nhận bản quyền” nhưng sau đó có nhiều vụ kiện cáo nên thay đổi, gọi tên là “đăng ký bản quyền”).
Nguyên Trưởng phòng Bản quyền tác giả cũng cho biết, ông đã nghiên cứu về lĩnh vực bản quyền tác giả gần 30 năm và thấy rằng, chắc chắn trường hợp của PGS Bùi Hiền đã được cơ quan quản lý xem xét kỹ về nội dung, chưa đăng ký ở bất kỳ đâu và nội dung không xúc phạm đến an ninh quốc gia.
Cũng theo ông Long, bài viết cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS Bùi Hiền là đề tài khoa học do chính ông nghiên cứu trong thời gian dài. Còn việc dùng hay không dùng lại là vấn đề khác, phải có sự đánh giá của hội đồng khoa học và được nhà nước công nhận.
“Sáng tạo thì phải tôn vinh”
Trước thông tin PGS Bùi Hiền tiếp tục bị thóa mạ vì được cấp bản quyền, ông Tô Văn Long nói: “Chửi ông ấy là những người không hiểu gì về sở hữu trí tuệ. Người ta sáng tạo thì phải tôn vinh, trừ trường hợp vi phạm đến an ninh quốc gia thì mới phê phán, phản đối. PGS Bùi Hiền - tác giả cải tiến tiếng Việt là người tài hoa, trí tuệ và đáng trân trọng. Nhiều khi dư luận cứ ném đá ông ấy, xúc phạm đến nhân quyền của người khác là không nên”.
Ở góc độ chuyên môn về quyền sở hữu trí tuệ, nguyên Trưởng phòng Bản quyền tác giả cho rằng, PGS Bùi Hiền đi đăng ký bản quyền chứng tỏ ông đã tìm hiểu kỹ về pháp luật.
“Người ta đăng ký như vậy là quá hay, có trình độ cao. Nếu ai ăn cắp để làm bậy có thể kiện. Còn nói xấu, lăng mạ PGS Bùi Hiền là đang bôi nhọ giới trí thức. Nếu tôi là ông Bùi Hiền sẽ đưa ra tòa vì bôi nhọ người khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền cá nhân”, ông Tô Văn Long nói.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)