Theo quyết định của UBND TP.HCM năm 2019, dự án trên được điều chỉnh thời điểm hoàn thành công trình vào quý IV-2021, kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng vào năm 2026.
Tuy nhiên, đến nay dự án mới đạt 88,5% tổng khối lượng công việc và chưa thể cán đích như kỳ vọng.
Hiện, UBND TP xác định 'mốc' mới để hoàn thành dự án tuyến metro số 1 vào cuối năm 2023, chậm thêm so với quyết định mới điều chỉnh năm 2019 là 2 năm. Đồng thời, TP.HCM cũng đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến tiến độ, buộc dự án phải điều chỉnh thời gian thực hiện để tiếp tục thi công.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19: Theo UBND TP, do ảnh hưởng dịch Covid-19 từ năm 2020-2021 đã khiến tình hình nhân sự trong nước nhân công thi công tại công trường biến động liên tục, không thể di chuyển đến công trường do việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong nước; tâm lý e ngại dịch Covid-19 tại TP.HCM dẫn đến số lượng lớn nhân công rời bỏ công trưởng và trở về địa phương sinh sống.
Đặc biệt trong 2 tháng đầu của quý III/2021, số lượng nhân công suy giảm mạnh do ảnh hưởng rất lớn của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 và TP phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Hiện nay, công tác huy động nhân công, thiết bị sau giãn cách gặp nhiều khó khăn như thiếu hụt về nguồn nhân lực và vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn tiến phức tạp ở Việt Nam và các nước trên thế giới có chiều hướng tăng nên một số chuyên gia không thể sang Việt Nam làm việc.
Trong thời gian giãn cách xã hội, thiết bị, vật liệu phục vụ thi công tại công trường được cấp phép và di chuyển cho các xe bê-tông, xe chở nguyên vật liệu của dự án gặp nhiều khó khăn, hạn chế dẫn đến việc thiết hụt, gián đoạn và không đủ vật tư thiết bị để triển khai thi công tại công trường.
Việc sản xuất, nhập khẩu các vật liệu thiết bị khác nhau cho công trình cũng bị ảnh hưởng do các nước sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các thiết bị nhập khẩu không đầy đủ ảnh hưởng đến tiến độ thử nghiệm, mốc thanh toán của dự án.
Đặc biệt là tiến độ gói thầu số 3, nhà thầu không tập trung đủ nhân công và chuyên gia quốc tế để tiến hành công tác thi công lắp đặt thiết bị cơ điện và thiết bị phục vụ chạy tàu trên toàn tuyến.
Việc các vật tư, thiết bị đặc biệt và được chế tạo, sản xuất hàng loạt ở nước ngoài không thể nhập cảng về Việt Nam cũng như việc ùn ở thiết bị tại cũng không thể làm thủ tục thông quan nhanh chóng để nhập về kho và công trưởng của dự án dẫn đến các kế hoạch thực hiện công việc đang được triển khai bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dưới những tác động do dịch Covid-19, các nhà thầu đã đệ trình các khiếu nại liên quan đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thử nghiệm, triển khai thi công của các gói thầu.
Theo đó, các nhà thầu của gói thầu số 1a , 1b, số 2 và số 3 nhận định không thể đảm bảo tiến độ hoàn thành vào quý IV năm 2021 và bảo lưu các quyền được đề nghị gia hạn thời gian thi công theo hợp đồng đã ký.
Ảnh hưởng do chậm ký kết Phụ lục hợp đồng số 19 của Hợp đồng Tư vấn chung: TP.HCM không thể ký kết Phụ lục Hợp đồng số 19, không có pháp lý thanh toán cho Tư vấn từ giai đoạn tháng 4/2017 đến nay. Dẫn đến, Liên danh Tư vấn NJPT đã tạm ngưng cung cấp một số dịch vụ Tư vấn chung từ giữa năm 2021, trong đó có các công việc quan trọng như: xác nhận khối lượng hoàn thành tại công trường của Tư vấn; xem xét thông qua các thiết kế bản vẽ thi công.
Đến tháng 9/2021, qua quá trình làm việc, thảo luận, động viên của Ban Quản lý Đường sắt đô thị với Công ty Nippon Koei Nhật Bản (thành viên đứng đầu Liên danh Tư vấn NJPT), Liên danh Tư vấn NJPT đã khôi phục lại một số dịch vụ tư vấn, công việc quan trọng tránh làm chậm trễ hơn nữa tiến độ của dự án.
Tuy thời gian tạm dừng công việc của Liên danh Tư vấn NJPT chỉ khoảng 3 tháng nhưng có ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án do ảnh hưởng đồng thời đến việc triển khai công tác thi công của toàn bộ các gói thầu CPla, CP1b, CP2, CP3, công tác đấu thầu gói thầu CP4 và công tác đào tạo lái tàu.
Hiện nay dự toán Phụ lục Hợp đồng số 19 đã được phê duyệt và đang trong quá trình thương thảo ký kết Phụ lục Hợp đồng số 19,
Ảnh hưởng do thiếu các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục liên quan đến đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống: Công nghệ áp dụng trong lĩnh vực đường sắt đô thị nói chung và dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Do đó, gần như phần lớn các tiêu chuẩn đã và đang áp dụng cho dự án (đến nay gần 3000 tiêu chuẩn) đều là của nước ngoài. Việc xác định được tiêu chuẩn tương đương hoặc đánh giá sự phù hợp các tiêu chuẩn áp dụng thường mất rất nhiều thời gian. Trong đó vấn đề liên quan đến công tác đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống để đảm bảo đáp ứng quy định an toàn cho công tác vận hành của dự án.
Ảnh hưởng do các khác biệt về hành lang pháp lý và một số vướng mắc còn tồn đọng kéo dài: Theo UBND TP, dự án metro số 1 là một trong những dự án đường sắt đô thị triển khai đầu tiên tại Việt Nam thực hiện theo các quy định Hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam.
Do đó, khi triển khai thực hiện dự án, Ban Quản lý Đường sắt đô thị cần phải thận trọng trong quá trình xử lý, lấy ý kiến các cơ quan quản lý chuyên ngành và các cơ quan có thẩm quyền để có giải pháp xử lý từng vấn đề một cách phù hợp việc triển khai dự án quốc tế và phù hợp quy định pháp lý.
Điều này không tránh khỏi dẫn đến sự chậm trễ trong thẩm định, phê duyệt các hồ sơ, quy trình làm cơ sở để nhà thầu triển khai các bước tiếp theo...
Hiện nay, UBND TP đã có kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận chủ trương cho phép TP tiến hành các thủ tục điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án vào cuối quý 4-2023. Thời gian hỗ trợ, vận hành và bảo dưỡng từ 2024 - 2028.
Sau khi Thủ tướng chấp thuận chủ trương, UBND TP sẽ chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án do TP thành lập để tiến hành thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh theo quy định.
Theo Tuấn Kiệt (VietNamNet)