Vì sao hàng trăm cây sấu ở Hà Nội bị chuyển đi trong đêm?

10/05/2019 09:24:22

Video: Đốn hạ loạt cây xanh để làm cầu nối trung tâm Sài Gòn với quận 2

Nhiều cây xanh trồng ở hai bên vỉa hè phố Hồng Tiến (quận Long Biên) bị di chuyển đi trong đêm khiến người dân ngỡ ngàng.

Vì sao hàng trăm cây sấu ở Hà Nội bị chuyển đi trong đêm?
Hàng cây xanh tốt trên tuyến phố Hồng Tiến

Ngày 9/5, nhiều người dân lưu thông qua tuyến phố Hồng Tiến, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội ngỡ ngàng khi thấy hàng cây xanh không còn. Hai bên vỉa hè chỉ còn lại một số ít cành cây héo.

Ông Nguyễn Văn, bảo vệ cửa hàng cà phê trên phố Hồng Tiến cho biết, tầm tối 7/5, ông thấy một tốp công nhân cùng máy xúc thực hiện hiện di chuyển các cây sấu ở hai bên vỉa hè đưa lên ô tô và chở đi. Các cây xanh bị di chuyển có đường kính khoảng 10cm, cao hơn 3m.

Vì sao hàng trăm cây sấu ở Hà Nội bị chuyển đi trong đêm? - 1
Hai bên vỉa hè chỉ còn lại một số ít cành cây héo

“Đến hết đêm, nhóm công nhân hoàn tất việc di chuyển cây xanh. Còn vì lý do gì mà họ di chuyển các cây xanh đi thì tôi cũng không nắm rõ. Nhiều người dân đi qua cũng thắc mắc như tôi và cũng không rõ lý do vì sao cây xanh bị di chuyển đi”, ông Văn nói.

Tối 9/5, lãnh đạo UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên cho biết, việc di chuyển cây xanh nhằm phục vụ cho dự án xây dựng cầu vượt bằng thép qua đường Nguyễn Văn Cừ- Hồng Tiến.  

Vì sao hàng trăm cây sấu ở Hà Nội bị chuyển đi trong đêm? - 2
Lãnh đạo UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên cho biết, việc di chuyển cây xanh nhằm phục vụ cho dự án xây dựng cầu vượt bằng thép qua đường Nguyễn Văn Cừ- Hồng Tiến

Ban quản lý dự án quận Long Biên đã thực hiện di chuyển khoảng hơn 100 cây sấu ở hai bên vỉa hè đi vào tối 7/5. Sau khi xây cầu vượt xong, đơn vị này lại đưa các cây sấu trước đây di chuyển đi về trồng lại ở hai bên vỉa hè. Các cây sấu di chuyển đi mới trồng được khoảng hơn 1 năm, có đường kính từ 10-20Cm.

Dự án “Xây dựng tuyến đường 40m nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư phường Ngọc Thụy, quận Long Biên” do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài toàn tuyến 1,5km; điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ; điểm cuối giao với tuyến đường hành lang chân đê tại ngõ 264 Ngọc Thụy.  Trong đó, cầu vượt thép qua đường Nguyễn Văn Cừ được thiết kế 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Tổng chiều dài cầu (tính đến đuôi mố) khoảng 211m.

Công trình có tổng mức đầu tư là 1.221,9 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là hơn 325 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là gần 720 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án hoàn thành tiến độ vào năm 2020. Công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo ra một tuyến đường thông suốt từ cầu Đông Trù đi qua các phường Thượng Thanh, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn kết nối với tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Theo Nguyễn Đức (Dân Việt