Vì sao đợt nắng nóng tháng 4 liên tục xuất hiện những kỷ lục về nhiệt độ?

23/05/2019 09:14:14

Video: Nắng nóng đỉnh điểm, người dân Hà Nội chật vật vì thiếu nước sinh hoạt

Ngày 20/4/2019 ở Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiệt độ đo được lên tới 43,4 độ C tại lều khí tượng - mức nhiệt cao nhất trong lịch sử nhiệt độ đo được ở Việt Nam, dù tháng 4 chưa phải là tháng đỉnh điểm nắng nóng.

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, Việt Nam đang trải qua một mùa thiên tai khó lường, cực đoan với nhiều ẩn số.

Đợt nắng nóng tháng 4 xuất hiện những kỷ lục về nhiệt độ chưa từng được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình tháng 4 ở hầu khắp Bắc bộ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 2-3 độ.

Vì sao đợt nắng nóng tháng 4 liên tục xuất hiện những kỷ lục về nhiệt độ?
Nắng nóng hơn 40 độ trên đường phố Hà Nội ngày 18/5. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên- Huế cao hơn TBNN từ 3-4 độ. Nam bộ và Tây Nguyên cao hơn từ 0.5-1,5 độ. Riêng ở thành phố Vinh, nhiệt độ trong tháng 4 vượt TBNN đến 4.1 độ.

Trong đợt nắng nóng này có rất nhiều trạm khí tượng ở Bắc bộ và các tỉnh miền Trung có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử tháng 4.

Chẳng hạn, nhiệt độ cao nhất ngày 20/4/2019 ở Hà Nội là 38,9 độ, nếu chỉ so sánh trong tháng 4 của những năm trước thì đây là kỷ lục mới.

Tại Phù Yên (Sơn La) là 41,7 độ, vượt mức kỷ lục đã xuất hiện vào tháng 4/1984. Ở Yên Châu (Sơn La) là 41,4 độ, vượt mức kỷ lục vào tháng 4/1984.

Đặc biệt tại Hương Khê (Hà Tĩnh) nhiệt độ cao nhất ngày 20/4/2019 lên tới 43,4 độ, mức nhiệt cao nhất trong lịch sử đo được ở Việt Nam từ trước đến nay.

Nguyên nhân chính của đợt nắng nóng này là do kết hợp tác động của El Nino, xu thế nóng lên toàn cầu (trong đó có Việt Nam), nền nhiệt độ cao vào tháng 4/2019, kết hợp với hiệu ứng đô thị và thay đổi mặt đệm khu vực trạm quan trắc.

Sau đợt nắng nóng kỷ lục cuối tháng 4, các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ trải qua nửa đầu tháng 5 tương đối dễ chịu, có những ngày nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh.

Mặc dù nhận định “đây là hiện tượng thời tiết thường gặp trong thời kỳ chuyển mùa sang mùa hè” song Cơ quan khí tượng cũng cho rằng năm 2019, so với mọi năm, thời kỳ này kéo dài hơn khiến Bắc bộ, Bắc Trung bộ trải qua nửa đầu tháng 5 với nền nhiệt thấp.

Ở bình diện toàn cầu, nhiều chuyên gia và trung tâm dự báo khí tượng thế giới nhận định, loài người sẽ trải qua năm 2019 nắng nóng nhất trong lịch sử sau 4 năm nắng nóng liên tiếp.

Xu hướng nóng lên toàn cầu sẽ tác động đến khí hậu nước ta, một trong 5 quốc gia được dự báo chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu.

Tại nhiều diễn đàn, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, diễn biến thời tiết những năm gần đây đã vượt qua các quy luật tự nhiên thông thường cũng như kinh nghiệm dân gian được tích lũy nhiều đời.

Trong những tháng tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, bão và áp thấp nhiệt đới. Tác động của El Nino cùng biến đổi khí hậu có thể tạo ra những cực đoan khí hậu, cực trị khí hậu mới chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)

Nổi bật