Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 10/11, đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự báo diễn biến dịch Covid-19 trong thời gian từ đây đến hết năm 2022 như thế nào?.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, việc dự báo và đặc biệt dự báo đối với Covid-19 là hết sức khó khăn.
Ông nói, cho đến thời điểm hiện nay tất cả các nước trên thế giới hầu hết chưa có dự báo mang tính dài hạn. Tổ chức Y tế thế giới chỉ đưa ra khuyến cáo chung là đại dịch Covid-19 không thể kết thúc trong năm 2022 mà có thể kéo dài đến năm 2023.
"Lúc đó hy vọng sẽ trở thành một bệnh theo mùa và bệnh đặc hữu, còn không thể khẳng định được việc dự báo như vậy. Một số nước cũng đưa ra những dự báo mang tính ngắn hạn. Bởi vì, đại dịch lần này xuất hiện chưa có trong tiền lệ và có những biến chủng thay đổi liên tục.
Trước đây với chủng gốc tốc độ lây lan ở mức độ vừa phải, nhưng biến chủng Delta thì tốc độ lây lan rất nhanh và mạnh, cho nên việc dự báo rất khó khăn, khó thực hiện", Bộ trưởng Long lý giải.
Người đứng đầu ngành y tế chỉ rõ, trong báo cáo Chính phủ đã gửi Quốc hội và báo cáo với Trung ương, Bộ nhìn nhận một cách rất thẳng thắn những tồn tại, yếu kém trong vấn đề về dự báo tình hình ở một số địa phương chưa đúng, chưa sát với thực tế, thậm chí ngay các đơn vị ở TƯ.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc, trao đổi đối với Tổ chức Y tế thế giới để ngày càng có kinh nghiệm, có nhiều kỹ thuật hơn cho vấn đề về dự báo", ông Long nói thêm.
Vấn đề về dự báo từ nay đến hết năm 2022, theo Bộ trưởng Long, trong thời gian qua, khi chúng ta chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, đáp ứng hiệu quả đối với Covid-19, một số địa phương đã có dấu hiệu dịch tăng trở lại và đây là vấn đề đang rất quan ngại.
Do đó, theo ông Long, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Y tế và các đơn vị chức năng liên tục có những chỉ đạo đối với các địa phương tiếp tục tăng cường biện pháp về phòng, chống dịch.
"Từ nay đến cuối năm chúng tôi cho rằng tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bởi vì hiện nay chúng ta gần như trở lại trạng thái bình thường, đã xuất hiện những tâm lý chủ quan, đặc biệt có một bộ phận người dân không áp dụng những biện pháp theo những khuyến cáo của cơ quan y tế như là 5K.
Chúng tôi cho rằng có một số nguyên nhân khác nữa, đó là vấn đề về thời tiết, nhất là đối với khí hậu lạnh của miền Bắc, rồi khi Tết đến có những hoạt động tập thể đông người.
Đây là những vẫn đề chúng tôi quan ngại đối với tình hình dịch từ nay đến cuối năm", ông Long nhấn mạnh.
Qua đây, Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng lưu ý đối với các địa phương phải hết sức quan tâm tới vấn đề về phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm và đến đầu năm 2022.
Đối với các địa phương, phải tăng phủ vắc xin càng nhanh càng tốt để giảm được ca mắc và giảm được ca tử vong.
"Vì vậy, công tác phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm và đầu năm 2022, chúng tôi vẫn coi là một trong những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 128", ông Long nói thêm.
Trước đó, theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 10/11, cả nước ghi nhận 7.930 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 7.918 ca ghi nhận trong nước (giảm 211 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 3.999 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 992.735 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.076 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 987.758 ca, trong đó có 841.237 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP. Hồ Chí Minh (442.630), Bình Dương (240.974), Đồng Nai (74.913), Long An (36.122), Tiền Giang (19.099).
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)