Chỉ trong vài ngày gần đây, số ca bệnh tại Hà Nội liên tục tăng. Đặc biệt trong ngày hôm qua 9/11, Hà Nội ghi nhận 222 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 105 ca ngoài cộng đồng.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 5.326 ca, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 2.122 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.204 ca.
Dịch xảy ra ở Hà Nội sẽ khác TP HCM
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, số F0 của thành phố Hà Nội tăng lên trong những ngày qua là rất dễ hiểu. Do dịch bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng, người dân đi lại nhiều nên chuỗi lây nhiễm vẫn tồn tại.
"Không chỉ Hà Nội mà các địa phương khác, số ca bệnh sẽ còn tăng lên. Hiện nay khi đã có vắc xin, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh sẽ phụ thuộc vào số người bị nặng phải nhập viện điều trị. Còn con số F0 có tăng lên mà trường hợp đó không có triệu chứng thì cũng không quá lo ngại.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp dương tính không triệu chứng vẫn cần phải quản lý để đảm bảo chặn đứng chuỗi lây lan".
Nhiều người tỏ ra lo ngại TP Hà Nội có thể bùng phát dịch mạnh như TP HCM, PGS Huy Nga khẳng định, dịch xảy ra ở Hà Nội khó có thể bùng phát như tại TP HCM. Do số lượng người tiêm vắc xin tại Hà Nội ở mức độ cao cho nên số ca bệnh nặng sẽ giảm. Như vậy hệ thống y tế sẽ không rơi vào tình trạng quá tải.
Để đáng giá mức độ nguy hiểm tình hình dịch tại Hà Nội là rất khó, vì Hà Nội chỉ đưa con số F0 mà không có báo cáo về người có triệu chứng nặng phải nhập viện, người tử vong, tỷ lệ người đã được tiêm vắc xin dương tính... Có những con số này thì mới có thể nhận định được tình hình dịch của thành phố.
PGS Huy Nga phân tích: "Đừng nhìn vào con số F0 tăng lên mà lo sợ, F0 tăng nhưng không có triệu chứng, không có ca nặng cần nhập viện thì không có gì lo ngại. Tại Thái Lan số ca mắc hàng ngày vẫn rất cao nhưng nước họ vẫn mở cửa cho gần 70 nước tới du lịch, trong đó có cả Việt Nam".
Tuy nhiên, vị chuyên gia dịch tễ cũng chỉ ra Hà Nội cần phải thay đổi tăng cường hệ thống cơ sở, đẩy mạnh chuyên môn để hệ thống y tế này sẽ tham gia vào chẩn đoán, điều trị và phân loại ca bệnh dương tính. Trường hợp F0 không triệu chứng có thể điều trị tại nhà. Những F0 có nguy cơ cao mới cần tới viện điều trị.
F1 thì nên cách ly tại nhà. Việc cách ly tập trung gây ra việc tốn kém và tăng nguy cơ lấy nhiễm chéo trong khu cách ly. Trên thực tế, không ít trường hợp hết thời gian cách ly tập trung khi về nhà phát hiện dương tính.
"Chúng ta dần hướng tới cuộc sống bình thường hoá cho người dân, thì việc cho F0 điều trị, F1 cách ly tại nhà cũng là cách để người dân tự giác hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ của chính minh", PGS Huy Nga chia sẻ.
Bên cạnh đó, thành phố cần có cách quản lý bảo vệ cho người già, người có bệnh lý nền. Cần phải đảm bảo nhóm yếu tố nguy cơ cao này phải tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19.
Theo PGS Huy Nga, để dịch không bùng phát mạnh thì việc tuyên truyền là rất quan trọng. Sau một thời gian trở lại cuộc sống bình thường, dường như mọi người bắt đầu xuất hiện tư tưởng chủ quan, không tuân thủ đúng theo nguyên tắc 5K.
Một số ngày qua, mọi người đã bắt đầu tập trung tại những nơi đông người hơn.
"Dịch còn trong cộng đồng cho nên chúng ta vẫn cần phải cảnh giác. Người dân vẫn cần phải luôn ghi nhớ nguyên tắc 5K. Đối với người có ho, sốt thì nên đi khám, không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Ngoài ra, những người thường xuyên phải làm công việc tiếp xúc với đông người thì nên có những dụng cụ test nhanh Covid-19 trong nhà. Khi thấy bản thân có yếu tố nguy cơ cao có thể làm test và thông báo cho y tế nếu kết quả dương tính", PGS Huy Nga nói.
Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)