Mới đây, lô gỗ sưa trăm tỷ tại thôn Phụ Chính được mở ra từ thùng container để bày biện cho khách đến xem. Tuy nhiên sau đó lại được đóng lại vào thùng như cũ khiến người dân lo lắng không biết bao giờ mới có thể bán được để lấy tiền phục vụ xây dựng công trình phúc lợi của địa phương.
Theo các cụ cao niên trong làng, một số người đến hỏi mua trực tiếp nhưng không phải mua cả cây mà mua 1 - 2 khúc. Tuy nhiên sau khi bàn bạc, thôn quyết định không bán và yêu cầu phải thông qua đấu giá cho minh bạch.
Được biết, vài năm trước, cây sưa trăm tuổi đã được thương lái tìm đến trả giá tới 100 tỷ đồng, tuy nhiên lúc đó dân thôn không bán. Sau đó, một nhánh cây có nguy cơ bị gãy đổ, nên người dân đã cắt bán cho một thương lái ở Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh với giá trên 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên đường vận chuyển, số gỗ trên bị Công an huyện Chương Mỹ tạm giữ do thiếu thủ tục mua bán.
Năm 2015, số gỗ này được chính quyền xã bán đấu giá thu về hơn 31 tỉ đồng. Cũng kể từ đó, cây sưa trăm tuổi này liên tục bị các đối tượng trộm cắp, kẻ gian nhòm ngó. Một hôm, lợi dụng đêm tối, trời mưa bão, kẻ gian đã phá cổng chùa vào chặt trộm một nhánh sưa mang đi bán. Từ đó, cây sưa lâu đời được dân làng "mặc áo giáp sắt" chống trộm và cắt cử nhau canh giữ cẩn thận cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, kể từ ngày bị trộm, phần thân của cây sưa bị sâu, mọt tấn công khiến người dân lo lắng giá trị của cây sẽ giảm đi.
Được sự đồng ý của chính quyền các cấp, tháng 1/2019, người dân làng Phụ Chính đã thuê công nhân, máy xúc và tiến hành chặt hạ 2 cây sưa quý trong khuôn viên đình làng. Người dân sau đó kiểm đếm gỗ và cho vào trong thùng container, bảo quản, trông giữ nghiêm ngặt chờ thời điểm đem ra bán đấu giá.
Số gỗ sưa nói trên được chia làm 5 nhóm, trong đó, số gốc nhỏ, rễ cây sưa sẽ được bán với giá sàn (mức thấp nhất) là 6,5 triệu đồng/kg; phần thân cây sưa, tuỳ theo chất lượng gỗ sẽ được phân thành các loại giá sàn khác nhau: loại 32 triệu đồng/kg (nhóm đặc biệt); loại 28 triệu đồng/kg (nhóm 1); loại 22 triệu đồng/1kg (nhóm 2); loại 15 triệu đồng/kg (nhóm 3). Tổng giá trị giá của cả 5 nhóm tạm tính theo khởi điểm là hơn 146 tỷ đồng.
Đến tháng 11/2019, 3 lần dự định đấu giá bán lô gỗ sưa nói trên đều thất bại. Nguyên nhân được chỉ ra là do giá chào bán quá cao, lẫn nhiều gỗ tạp. Sau đó, người dân đã đẽo bớt vỏ, loại bỏ một số gỗ vụn, tuy nhiên, nhiều người đến mua hồ sơ đấu giá nhưng lại không đặt cọc tiền.
Từ đầu năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc đấu giá lô gỗ sưa này chưa thực hiện được. Đến nay, lô gỗ sưa vẫn nằm trong thùng container đặt ở nhà văn hóa thôn, mặc dù được rất nhiều người quan tâm, đến xem nhưng vẫn chưa thể tìm được "chủ nhân mới".
Một ông chủ chuyên thu mua gỗ quý ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) chia sẻ, giá gỗ sưa đỏ thời điểm hiện tại không còn được định giá cao như so với khoảng 8 - 9 năm về trước. Thời điểm hoàng kim là năm 2010 - 2011, gỗ sưa cổ thụ hiếm gặp, có đường kính lớn từ 50cm trở lên thì mới có giá dao động từ 35 - 40 triệu đồng/kg. Còn những cây lâu năm nhưng có đường kính bé hơn, từ 30 - 50cm có giá khoảng từ 20 - 35 triệu đồng/kg. Những cây gỗ sưa đỏ có đường kính nhỏ hơn nữa thì giá cũng đã là 10 - 15 triệu đồng/kg. Thậm chí gỗ vụn, cành và nhánh cũng có giá trên dưới 5 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên cũng theo người này, vài năm gần đây, giá trị cây sưa đỏ cũng giảm đi gần một nửa so với 7,8 năm trước. Người này cũng cho biết cũng đã từng xem cây sưa cổ ở thôn Phụ Chính và cho rằng cây này nếu bán được giá cũng không quá 50 tỷ đồng vì thân cây đã có dấu hiệu bị mục, mối ăn.
Các cụ cao niên thôn Phụ Chính cũng thừa nhận rằng số lượng gỗ sưa này khó mà bán được con số 100 tỷ đồng. Họ tâm sự, số tiền thu được dự kiến dùng để tu sửa và xây dựng một ngôi chùa khang trang, nhằm khép lại hành trình gian nan khai thác và bảo vệ cây sưa trăm tỷ…
Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)