Hiện trường vụ cháy có quá nhiều khói khí độc, gây khó khăn trong việc cào bới để tìm, triệt tiêu tận gốc nguồn nhiệt, khiến việc chữa cháy kéo dài.
Đến sáng 28/3, vụ cháy tại Công ty Kwong Lung - Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc 1, TP Cần Thơ) đã được dập tắt sau hơn 4 ngày nỗ lực cứu hỏa. Có khoảng 500 người của lực lượng chữa cháy ở 8 tỉnh, thành: Cần Thơ, TP.HCM, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và Quân khu 9 được điều động.
Vụ cháy bắt đầu vào khoảng 9h sáng 23/3, đến 17h cùng ngày, ngọn lửa cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, ngọn lửa bùng trở lại cho đến trưa hôm sau (24/3) mới được dập tắt lần hai.
Nhưng đến tối 2 ngày sau đó (26/3), lửa lại bốc cháy ngùn ngụt. Ngay sau đó, Cảnh sát PCCC TP.HCM và Hậu Giang tiếp tục chi viện cho Cần Thơ chữa cháy.
Hiện chưa có thống kê chính thức, nhưng ước tính thiệt hại của vụ cháy lên đến cả chục triệu USD. Ảnh: Minh Anh. |
Đại tá Trần Đức Đình, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ, cho biết công ty có 2 khối nhà 5 tầng, mỗi tầng rộng 1.500 m2. Ban đầu, diện tích sàn của toà nhà bị cháy ngay tại tầng 5. Còn các tầng khác của hai khối nhà vẫn được bảo vệ an toàn.
“Chúng tôi sử dụng hoá chất để chữa cháy và phủ kín các chất dễ cháy, không cho lửa cháy lớn, cháy lan các phân xưởng khác. Chúng tôi đã huy động tổng lực chữa cháy ở Công ty Kwong Lung - Meko nhưng tại hiện trường, lực lượng chữa cháy rất khó khăn trong việc tiếp cận lửa”, đại tá Đình nói.
Trả lời báo chí, một lãnh đạo của Công ty Kwong Lung - Meko cho biết vị trí cháy ban đầu tại xưởng may mền, ở tầng 5. Đám cháy nhỏ nhưng chữa cháy chậm dẫn đến cháy cả nhà xưởng.
Khi không khống chế được lửa, công ty nỗ lực không cho cháy lan sang xưởng lông vũ. Nhưng đến 8h tối 23/3, lửa tiếp tục bùng phát ở tầng 5, nơi có nhiều thùng giấy và 6 giờ sau các xưởng chứa lông vũ tại tầng 5 đều bị cháy.
Công ty tang hoang sau đám cháy suốt 4 ngày liền. Ảnh: Minh Anh. |
Đại tá Trần Đức Đình cho rằng một trong những nguyên nhân khiến quá trình chữa cháy kéo dài do vật liệu trong vụ cháy đa số là nệm mút, vải sợi, lông vũ nên toả ra rất nhiều khói, khiến lực lượng rất khó tiếp cận hiện trường.
Bên cạnh đó, cấu trúc nhà xưởng được làm bằng mái kín, khói toả ra không thoát đi được, tạo khí độc nên càng khó tiếp cận. Khu vực xảy ra cháy có nhiều phòng, mỗi phòng đều khoá cửa nên trinh sát phải đập từng phòng, tìm kiếm công nhân, hướng dẫn thoát ra ngoài và chữa cháy.
Cũng theo đại tá Đình, quá trình chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nước yếu. “Công tác tiếp ứng nước chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, do trụ nước chữa cháy ít và xa khu vực cháy. Nguồn nước yếu nên thời gian chữa cháy kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả chữa cháy”, đại tá Đình nói.
Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ cho biết lực lượng cứu hỏa phải lấy nước ở dưới sông, xí nghiệp bên cạnh để dập lửa.
Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại lớn về tài sản. Ảnh: Minh Anh. |
Theo đại tá Đình, Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ phải nhờ đến sự chi viện xe trạm bơm của Cảnh sát PCCC TP.HCM và khảo sát nhiều nơi tại sông Sang Trắng (gần đám cháy), mới có bến để lấy nước nhưng cũng gặp khó khăn khi phải di dời nhiều nơi theo triều cường.
Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ cho rằng hiện trường vụ cháy có nhiều khói khí độc, gây khó khăn trong việc cào bới để tìm và triệt tiêu tận gốc nguồn nhiệt trong các kiện vật liệu và thành phẩm.
“Do vậy, lực lượng chữa cháy không thể tiếp cận được gốc lửa tích nhiệt của các kiện hàng, thành phẩm trong đám cháy, đây yếu tố tác động không nhỏ, dẫn đến hiện tượng cháy lại”, đại tá Đình nói.
Theo Minh Anh (Tri Thức Trực Tuyến)