Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Phương Sơn. |
Theo ông Sáu, khi xe cấp cứu tới nơi, cháu bé gặp nạn vừa được chuyển lên xe công an. Bệnh nhân bị đa chấn thương, vỡ nếp sọ, bác sĩ nhanh chóng cấp cứu cho bệnh nhi, chuyển bé trở lại xe 115 và đưa thẳng đến bệnh viện Đức Giang gần đó để đặt nội khí quản. "Sau cấp cứu ban đầu tại Bệnh viện Đức Giang, cháu Hân tiếp tục được xe 115 chuyển tiếp vào Bệnh viện Việt Đức. Tại đây dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng sau hơn 2 tiếng bệnh nhi không qua khỏi”, ông Sáu cho biết.
Cũng theo ông Sáu, 8h05 xe cấp cứu thứ hai đến hiện trường song cả 2 nạn nhân còn lại đã tử vong trước đó.
Hiện nay Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu gồm các xe cùng các kíp thường trực 24/ 24 giờ được bố trí rộng khắp. Mạng lưới cấp cứu tại thủ đô hiện bao gồm: Trạm Trung tâm (11 Phan Chu Trinh - Quận Hoàn Kiếm); Trạm cấp cứu khu vực Từ Liêm (tại Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, phố Trần Bình, quận Cầu Giấy); Trạm cấp cứu khu vực Thanh Trì (tại Bệnh viện đa khoa Thanh Trì, thị trấn Văn Điển,Thanh Trì); Trạm cấp cứu khu vực Gia Lâm (tại Trung tâm y tế Long Biên); Trạm cấp cứu khu vực Hà Đông (tại Trung tâm y tế Hà Đông, 57 Tô Hiệu, Quận Hà Đông).
Trung tâm hàng ngày bố trí 15 kíp cấp cứu thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cấp cứu trước bệnh viện và trong tình huống tai nạn hàng loạt hoặc thảm họa xảy ra.
"Trung tâm lúc nào cũng có 3 người trực tổng đài 24/24h. Xe cấp cứu lập tức khởi hành khi có thông tin, song đến được hiện trường kịp thời hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhất là tình trạng đường sá ùn tắc như ở Hà Nội hiện nay", người đứng đầu Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội giải thích.
Theo Lê Nga (VnExpress.net)