Video: Cú bắt tay đầu tiên của hai ông Trump và Kim tại Hà Nội
Các hãng thông tấn quốc tế trong "cuộc đua" chọn điểm ghi hình trên cao ở Hà Nội
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa chính thức bắt đầu bằng cú bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un tối 27/2. Trước đó, hơn 3.000 phóng viên quốc tế đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có mặt tại Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam để đưa tin. Con số này lớn hơn số lượng phóng viên tại APEC 2017, đủ chứng minh sức "nóng" của hội nghị nói chung và vẻ thu hút của Hà Nội - thành phố vì hòa bình, nói riêng.
Không chỉ có lực lượng đông đảo phóng viên trực tiếp có mặt ở hiện trường, các đài truyền hình lớn như MBC, MBN, KBS, SBS đều dựng trường quay "trên trời", lấy hậu cảnh toàn thành phố hoặc những địa danh nổi tiếng của Hà Nội. Một số kênh thông tấn lớn đã bắt tay vào "cuộc chiến" chọn địa điểm ghi hình trên cao sau khi Hà Nội chính thức được chọn là nơi diễn ra hội nghị.
Đúng là, cách đơn giản nhất để nói với khán giả về địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần này, là lấy một trong những hình ảnh đặc trưng nhất của Thủ đô. Và Hồ Hoàn Kiếm, Tháp rùa, Cầu thê húc xuất hiện gần như xuyên suốt 2 ngày diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử Mỹ - Triều, bởi vẻ đẹp hùng vĩ và nguyên sơ của nó.
Trả lời Đài truyền hình Việt Nam, ông Clark Bentson đến từ kênh truyền hình ABC News (Mỹ) chia sẻ, những vị trí trên cao nhìn thấy toàn cảnh thành phố luôn được các đài truyền hình để mắt tới, với mong muốn đem lại cho khán giả những hình ảnh đặc sắc nhất, ấn tượng nhất.
"Thời điểm chúng tôi tới khách sạn này đã có một kênh truyền hình khác kí hợp đồng thuê địa điểm, chỉ còn lại một khu vực duy nhất có thể tác nghiệp. Ngay lúc đó, chúng tôi đã quyết định thuê luôn tầng thượng này để thực hiện những bản tin trực tiếp" - ông Clark nói.
Hà Nội nhìn từ trên cao: Bình dị về sáng, lung linh về đêm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực được các hãng thông tấn lựa chọn nhiều nhất là phố cổ, nơi những toà nhà cao tầng hướng thẳng xuống Hồ Hoàn Kiếm. Trước hội nghị thượng đỉnh khoảng một tháng, phóng viên quốc tế đã bắt đầu tìm kiếm các khách sạn, quán cà phê cao tầng. Tỷ lệ chọi khá lớn, hoặc cạnh tranh gay gắt để có thể thuê được những tầng cao nhất của toà nhà. Được biết, các nhóm phóng viên làm việc xuyên ngày, yêu cầu khách sạn không để người ngoài can thiệp tới công việc của họ, nếu chưa được sự đồng ý và cho phép.
"Nếu 2 nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hoa Kỳ có những hoạt động xung quanh Hồ Gươm, từ nóc toà nhà chúng tôi sẽ ghi lại gần như trọn vẹn các hình ảnh đang diễn ra. Khán giả từ hơn 60 quốc gia sẽ được chứng kiến. Ở trên cao thời tiết có vẻ sương mù, nhưng với những thiết bị ánh sáng và máy quay của chúng tôi, thì thời tiết này là lý tưởng để thực hiện ghi hình" - ông Andrew Braddel (hãng tin Ap, Mỹ) trả lời.
Tối 26/2, mạng xã hội Việt Nam truyền tay nhau những hình ảnh chụp trường quay "dã chiến" ngay trên nóc khách sạn Daewoo của đài truyền hình MBCNews. Vị trí "đắc địa" này được đánh giá có thể bao quát toàn thành phố Hà Nội - một hậu cảnh cực kỳ đắt giá và sống động. Liên tiếp các hãng truyền hình khác của Hàn Quốc như KBSNews, đài truyền hình cáp JTBC, Yonhap... hay thậm chí cả kênh CNN International cũng có trường quay di động trên mái của các tòa nhà cao tầng.
Bối cảnh trên nóc khách sạn Daewoo được các công nhân Việt Nam lắp đặt một tuần trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Phía bên trong, quán cà phê ban đầu được biến đổi thành trung tâm kĩ thuật để có thể tổ chức sản xuất những bản tin trực tiếp một cách nhanh chóng nhất. Từ vị trí ấy, xuyên suốt một ngày, hình ảnh về Hà Nội và các sự kiện liên quan Mỹ - Triều được phát đi khắp Hàn Quốc.
Nhiều người dùng mạng Việt Nam không tiếc lời khen ngợi sự chuyên nghiệp và tư duy sáng tạo của các cơ quan truyền thông quốc tế. Không chỉ là đưa tin, họ đã truyền được "không khí" qua truyền hình.
Riêng đối với Hà Nội, hình ảnh về một thủ đô thân thiện cùng những cảnh sắc tự nhiên, hùng vĩ được khán giả trên khắp thế giới biết đến, là cơ hội để phát triển. Trước đây, có thể bạn bè quốc tế ít nhiều biết đến Hà Nội, đơn giản chỉ là thủ đô của một đất nước. Hy vọng rằng, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, cú bắt tay hoà bình giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ là một cột mốc lớn.
Còn điều gì ý nghĩa hơn những thỏa thuận liên quan tới hòa bình được ký kết tại đất nước đã nỗ lực hết mình để có được hòa bình. Chúng ta đều sẽ rất vui khi thấy Hà Nội là thành phố trung lập đóng góp vào nền hoà bình ấy.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)